Thành công vẫn là điều mong ước của những ai đã và đang đi làm. Tuy nhiên, để có được sự thành công vẫn là điều khiến mọi người quan tâm dưới nhiều góc độ. Với tư cách là người làm công tác nhân sự, tôi xin chia sẻ một số điều tâm đắc về những yếu tố quyết định sự thành công của bạn trẻ trong thời kinh tế mở.
Bạn là người chủ của chính mình
Trong một hội thảo định hướng nghề nghiệp, vị chủ tọa hỏi: “Trong số chúng ta ở đây có bao nhiêu người làm chủ?”. Trong hàng trăm người tham dự có vài ba cánh tay rụt rè giơ lên. Vị chủ tọa cười rồi bảo: “Tôi biết đây là câu hỏi đánh đố nhưng lẽ ra quý vị ở đây phải đồng loạt giơ tay. Chúng ta dù làm công hay làm chủ đều giống nhau ở các điểm: chúng ta đều có 24 giờ một ngày và sử dụng thời gian này như thế nào là hiệu quả nhất, chúng ta đều có bộ não và thân thể với tứ chi và nguồn tài chính nhất định. Người làm chủ hay làm công suy cho cùng chỉ khác nhau ở giá trị danh nghĩa. Làm chủ thì có tên đăng ký với cơ quan chức năng dưới danh nghĩa là chủ đầu tư và chịu sự ràng buộc của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Người làm công thì cũng được đăng ký tên với cơ quan chức năng nhưng dưới danh là nhân viên, chuyên viên, quản lý, kỹ sư... và chịu sự kiểm soát của Luật Lao động và các nội quy lao động. Như vậy, nếu bỏ qua sự khác biệt về danh nghĩa, nếu xem trọng các tài sản bạn đang có như quỹ thời gian, kiến thức, kinh nghiệm, tư duy, sức khỏe, nguồn tài chính của chính bạn thì bạn sẽ thấy rằng mình chính là người chủ. Sử dụng những nguồn lực kia như thế nào là do bạn tự quyết và kết quả đạt được như thế nào là hoàn toàn do bạn chịu trách nhiệm và kết quả ấy chỉ để phục vụ bạn trước tiên”.
Làm việc 8 giờ/ngày chỉ đủ sống
Theo một thống kê gần đây tại Mỹ, một người đầu tư 8 giờ/ngày từ thứ hai đến thứ sáu chỉ đủ thu nhập sống tạm qua ngày. Thiết nghĩ, số liệu này cũng không khác biệt gì khi đối chiếu tại Việt Nam. Nếu chúng ta muốn vượt lên mức tạm đủ, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày. Luật Việt Nam cho phép một công dân có quyền có nhiều hợp đồng lao động với điều kiện không vi phạm nội quy, điều lệ các công ty, các ngành liên quan. 99% người lao động Việt Nam có thể thỏa mãn điều kiện này. Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét việc tái đầu tư cho bản thân: Lấy một phần thu nhập để đầu tư vào kiến thức và kỹ năng cho bản thân. Cũng đừng quên câu “an cư lạc nghiệp”. Nếu cuộc sống gia đình có quá nhiều mâu thuẫn hoặc đổ vỡ, cuộc sống nghề nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Vì vậy, bạn nên nhớ đầu tư thời gian khôn khéo giữa công việc, phát triển bản thân và gia đình.
Trần Hữu Đức (Chuyên viên Tư vấn nhân sự Công ty BCC)
Bình luận (0)