Làm thế nào để nâng cao hiệu quả đào tạo, giảm khoảng cách đào tạo và sử dụng lao động? Làm gì để sản phẩm đào tạo ra đáp ứng yêu cầu đa dạng, phong phú và phát triển không ngừng của doanh nghiệp (DN)?... Đó là những câu hỏi được đặt ra tại hội thảo “Dạy nghề đáp ứng nhu cầu DN” do Hội Dạy nghề VN và Tổ chức Đào tạo nghề Genev của Đức phối hợp tổ chức ngày 1-7 tại TPHCM. Từ nhiều năm nay, ngành dạy nghề vẫn cứ loay hoay đi tìm lời giải cho những câu hỏi trên.
Học viên học nghề cơ khí tại Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè - TPHCM. Ảnh: HUỲNH NGA
Liên kết nửa vời
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết chỉ riêng năm 2008, 40 cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP đã liên kết đào tạo theo hợp đồng của DN được 8.190 học viên, cung ứng 5.684 học viên cho DN và đào tạo lại cho DN 9.831 công nhân... Tuy nhiên, ông Hiệp xác nhận sự gắn kết nói trên chưa phổ biến, chưa hiệu quả, chưa có sự chủ động giữa hai bên.
Không có “khách hàng”
Cũng giống như thực trạng dạy nghề đang bị chia cắt, tách rời giữa cơ sở dạy nghề và DN, một hội thảo bàn về dạy nghề đáp ứng yêu cầu DN như nói trên chỉ có đại diện các nhà chuyên môn, các trường nghề nhưng không thấy có đại diện của DN nào tham gia. Một đại biểu phát biểu rằng: “Không có DN thì chúng ta (các trường nghề) cứ bàn theo cách của mình, tự tìm giải pháp cho mình”. |
Ông Phan Chính Thức, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho rằng cơ sở dạy nghề và DN là hai chủ thể chính của dạy nghề nhưng thực tế vẫn chưa kết nối hiệu quả với nhau. Nhiều đại biểu cho rằng 3 khách hàng của cơ sở dạy nghề là DN, người học nghề và Nhà nước chưa thấy được lợi ích của việc tham gia đào tạo nghề. Ông Ngô Phan Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Định Quán – Đồng Nai, diễn giải thêm: ngân sách Nhà nước đầu tư hằng năm cho dạy nghề không nhỏ nhưng lợi ích mang lại cho Nhà nước – sử dụng nhân lực nghề cho phát triển kinh tế, xã hội – thì không là bao; thậm chí gây lãng phí, tốn kém do cơ sở dạy nghề không thu hút được người học nghề.
Khoảng cách doanh nghiệp – trường nghề quá lớn
Thực ra, đổ hết lỗi cho cơ sở dạy nghề là không đúng vì trang thiết bị công nghệ giảng dạy, chương trình đào tạo không thể chạy theo kịp hoặc đáp ứng nhu cầu đa dạng và thay đổi công nghệ liên tục của DN. Những hạn chế của cơ sở dạy nghề chỉ góp phần gia tăng khoảng cách đào tạo – sử dụng lao động.
Vấn đề cốt lõi là DN chưa thực sự thấy rõ lợi ích của việc liên kết đào tạo với nhà trường. Hiệu trưởng một trường dạy nghề tại TPHCM đưa ra thực trạng 90% DN hiện nay tại VN có quy mô nhỏ và vừa, thường xuyên thay đổi ngành nghề, mục tiêu kinh doanh, thiếu tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị DN, quản trị nhân sự yếu...
Hệ quả là ở nhiều ngành nghề, nhân công không phát triển được, DN luôn than thiếu trong khi người học nghề lại không vào được DN. Trong một tham luận gửi đến hội thảo, ông Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Động, dẫn chứng: phần lớn DN sử dụng lao động qua đào tạo thường để giải quyết khâu trước mắt chứ không nghĩ đến quy hoạch lâu dài, dẫn đến tình trạng lao động tuyển vào nhiều và xin đi cũng nhiều. Cũng vì thế, hằng năm, các ngành dệt may, xây dựng có từ 8.000 – 10.000 lao động bỏ việc, chuyển nơi làm.
Phải định vị lợi ích học nghề
Ông Thomas Hintz, Phòng Thủ công nghiệp Achen của Đức, cho biết ở Đức, thợ cả là loại chức danh được công nhận ngang hàng với kỹ sư, rất được coi trọng. Do vậy, phải làm cho người dân thấy rõ lợi ích thực sự và cơ hội thăng tiến khi chọn con đường học nghề. Tuy nhiên, theo ông Thomas, để người học nghề thấy được lợi ích phải có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và DN, bảo đảm cho họ sau khi ra trường có việc làm, thu nhập và sự đối đãi tương xứng.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề VN, vấn đề dạy nghề đáp ứng yêu cầu DN, phát triển kinh tế luôn là một yêu cầu cấp bách. Do vậy, phải có các giải pháp đồng bộ từ vĩ mô đến vi mô, phải giúp người dân thấy rõ được lợi ích của việc học nghề. Ông Nguyễn Thành Hiệp góp ý phải xây dựng cơ chế quan hệ cơ sở dạy nghề – DN để tạo lập liên kết và nâng cao hiệu quả đào tạo. Chỉ khi cơ sở dạy nghề và DN xem mình là khách hàng của nhau thì mới cùng bắt tay thực hiện được.
Bình luận (0)