Ràng buộc bằng gì?
CEO có phải là người làm thuê? Đó là câu hỏi mà từ ông chủ DN đến những người hành nghề CEO vẫn còn nhiều tranh luận. Dù đặt ở vị trí nào, vai trò của CEO là rất quan trọng và ngày càng có nhiều DN quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn trong sử dụng CEO giữa các DN VN và nước ngoài. Ở các nước, CEO được coi là người làm thuê, ý thức hành nghề chuyên nghiệp. Họ luôn đặt mục tiêu làm việc vì cộng đồng, vì lợi ích cổ đông và mục tiêu phát triển của DN hơn vì lợi ích cá nhân. Giữa giới chủ và CEO làm việc trên hệ thống văn bản, pháp lý rõ ràng. Nếu CEO vi phạm những điều khoản quy định, làm mất quyền lợi cổ đông, họ phải chịu trách nhiệm trước cổ đông, pháp luật. Điển hình như Ngân hàng Barings (Anh) vốn có từ hơn 300 năm chỉ vì quyết định sai lầm của CEO lấy tiền chơi chứng khoán mà dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống. Khi ấy, CEO bị bắt và phải trả giá trước pháp luật. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở nhiều quốc gia, như tại Công ty Worldcom (Mỹ). Đó là lý do mà ở nhiều quốc gia phát triển, CEO được xem là một trong những nghề rủi ro, bị đào thải cao nhất.
Trong khi đó, tại VN, giữa CEO và chủ DN vẫn còn làm việc theo cảm tính. Mà khi đã ràng buộc với nhau bằng tình cảm thì dễ dàng bỏ qua những việc làm sai trái. Khi xảy ra sự cố, chủ DN không biết căn cứ vào đâu để quy trách nhiệm, chế tài CEO. Đã có trường hợp CEO làm sai vẫn không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều đó khiến giới chủ cảm thấy e dè khi quyết định chọn CEO để giao quyền, giao việc.
Quyền lợi đi trước
Ở hầu hết các nước, khi điều hành một DN, các CEO đều đặt ra mục tiêu phục vụ cho cổ đông, đặt quyền lợi của cổ đông, cộng đồng lên trên. Trong khi đó, tại VN, không ít những người làm điều hành luôn suy nghĩ làm việc vì mình trước, sau đó mới nghĩ tới cổ đông, cộng đồng.
Vấn đề đặt ra chính là quyền lợi của CEO như thế nào trong một DN. Tại các nước, trước khi tuyển dụng, giới chủ đặt ra những quyền lợi ưu đãi cụ thể cho CEO: Được ở nhà loại nào, được đi xe hơi ra sao, con được học trường nào, được bao nhiêu ngày đưa vợ con đi chơi, được hưởng chính sách phúc lợi thế nào?... Do đó, CEO không bận tâm đến chuyện “cơm, áo” để toàn tâm toàn ý lo cho công việc. Thậm chí có những CEO làm việc đến khuya vì họ không muốn mất quyền lợi mà họ đang hưởng. Trong khi đó, giới chủ DN VN thường có tâm lý không tin tưởng CEO. Sự không tin tưởng thể hiện rõ qua cách đối đãi với CEO. Khi không được trọng dụng, đặt niềm tin từ phía chủ DN, chính sách không bảo đảm cho cuộc sống của chính mình và gia đình, CEO rất khó toàn tâm toàn ý, gắn bó với DN.
Đạo đức và danh dự
Tôi đã từng nghe nhiều chủ DN than phiền về đạo đức của CEO. Khi tuyển dụng, các DN thường kêu gọi cần đạo đức thế này, tâm thế kia nhưng họ chưa xác định được cơ sở nào là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thường trong công việc, chúng ta chỉ nói đến cái tâm của nhà quản lý chứ không xem đó là ý thức cần có trong mọi người.
Từ đạo đức của CEO, có thể bàn thêm về vấn đề giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong đào tạo ở nước ta. Tại sao không đưa môn đạo đức kinh doanh vào môn học chính thống để từ đó sinh viên biết chuẩn, giới hạn nào là vi phạm và họ không vượt qua chuẩn đó? Ở các nước, đạo đức trong kinh doanh là một môn học chính thống được nhà trường đưa vào giảng dạy. Khi đạo đức trong kinh doanh trở thành một ý thức chung của mọi người thì nhân viên cũng như đội ngũ quản lý làm việc dựa trên cái tâm mà họ có được. Và khi đã có tâm, họ sẽ làm việc vì danh dự hơn là những yếu tố khác.
Mời dự hội thảo “Kết nối CEO” Hội thảo “Kết nối CEO” do Báo Người Lao Động phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển - Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Hội MBA tổ chức sẽ diễn ra vào sáng chủ nhật, 6-7. Hội thảo quy tụ khoảng 500 đại biểu là chủ doanh nghiệp (DN) đang kiêm nhiệm công việc điều hành, những người đang hành nghề CEO và đội ngũ quản lý, trí thức trẻ có nhu cầu và năng lực ứng tuyển, hành nghề CEO. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, CEO tìm hiểu thông tin, trao đổi, chia sẻ những vấn đề mang tính cụ thể về những thành công và thất bại trong điều hành DN, trong tuyển dụng, sử dụng CEO và hành nghề CEO. Đặc biệt, hội thảo sẽ mở ra cơ hội kết nối cung – cầu CEO. Mời các nhà lãnh đạo DN, CEO và những người quan tâm đăng ký tham dự hội thảo. Ngoài ra, để hội thảo đạt được mục tiêu, các DN, CEO có thể gửi cho ban tổ chức thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân lực quản lý cấp cao, chính sách đãi ngộ, các cam kết về tuyển dụng, sử dụng CEO và thông tin nghề nghiệp cá nhân. Liên hệ đăng ký dự hội thảo qua email: ctcd@nld.com.vn, hoặc duyquoc@nld.com.vn, điện thoại: 0918.257221 (phóng viên Duy Quốc). Nhận mẫu đăng ký thông tin tại diễn đàn “Trải thảm đỏ đón CEO” - trang điện tử www.nld.com.vn. |
Bình luận (0)