Trong rất nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân cơ bản nhất mà không phải DN nào cũng nhận ra: Chưa xây được “nhà” cho người lao động...
Vì sao họ ra đi?
T. làm việc trong một công ty nước ngoài với vị trí trưởng phòng nhân sự, mức lương hấp dẫn. Nhưng sau một thời gian, T. nộp đơn xin thôi việc và chuyển sang làm ở một công ty nước ngoài khác, với chức danh thấp hơn - nhân viên nhân sự và với mức lương, phúc lợi không cao bằng. Tại sao T. lại có quyết định như vậy? T. giải thích: “Vị giám đốc thường đưa ra những quyết định cứng nhắc và luôn săm soi, kiểm tra xem nhân viên có tập trung làm việc không, hay đang làm công việc khác. Làm việc cho công ty trong một thời gian dài, tôi vẫn cảm thấy lạc lõng, không được tin tưởng, bị đối xử như một cái máy”.
Ai cũng bảo chị N. rất may mắn khi được một công ty châu Âu tuyển dụng với mức lương một tháng cao hơn lương hai năm của một công nhân đứng máy. N. cũng cảm thấy mình rất may mắn có chỗ làm tốt, vì không chỉ bản thân mình có lương cao mà mọi lao động ở đây cũng được công ty bảo đảm tốt quyền lợi. Tuy nhiên, niềm vui ấy không tồn tại được lâu. N. nhận thấy sếp của N. thường để ý những lỗi nhỏ của nhân viên. N. nói: “Tôi làm việc theo một khuôn mẫu mà sếp đặt ra. Mọi tranh luận, góp ý của tôi đều bị coi là “cãi” lệnh”. Kết quả là, mặc dù về chuyên môn, N. đã làm việc rất tốt nhưng thường bị sếp phê bình vì những lỗi vụn vặt và đáng nói là những lỗi này át đi những công sức mà N. đóng góp. Nó khiến N. bị ức chế, mất tự tin.
Không chịu nổi, N. xin nghỉ việc sau hai tháng vào làm. Ai cũng tiếc cho quyết định của N., nhưng N. cho rằng quyết định của mình là đúng. “Tôi không thể chịu đựng được cảm giác nặng nề mỗi khi vào công ty như vậy được. Cứ thế thì hiệu quả làm việc, năng suất lao động, cả sự sáng tạo, tâm huyết của mình cho công việc sao có được!”.
Ở rất nhiều DN, trường hợp ra đi như T., N. không phải là hiếm, thậm chí đang rất phổ biến.
Phải có chính sách nhân sự tốt
Tiền lương, vị trí công tác có phải là những yếu tố quan trọng nhất để thu hút và giữ chân người lao động? Đối với cả hai trường hợp trên, cũng như vô số các trường hợp khác đã và đang xảy ra ở các DN thì câu trả lời là không.
Theo một nghiên cứu mới được tiến hành ở Mỹ đối với 20.000 người phỏng vấn, lý do số 1 khiến người ta rời bỏ công việc chính là “cách đối xử không tốt của ông chủ”. Nói cách khác, đó là vì họ đã gặp phải những ông chủ tồi. Ở Việt Nam, trên thị trường lao động cao cấp, khảo sát của các công ty tư vấn nguồn nhân lực cũng chỉ rõ hầu hết các trường hợp thôi việc, nghỉ việc xuất phát từ sự rạn nứt về quan hệ lao động, mâu thuẫn nội bộ giữa lãnh đạo với nhân viên, hơn là vấn đề lương bổng...
Tiền lương và phúc lợi là hai yếu tố cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng về mặt lâu dài, việc tạo ra một môi trường làm việc thân thiện thông qua đánh giá, đối xử công bằng, tạo được động lực để khuyến khích nhân viên làm việc, phát huy sự sáng tạo và tăng năng suất lao động... mới chính là yếu tố thu hút và giữ chân người lao động. Nói một cách đơn giản thì người lao động cần nhất một môi trường làm việc thân thiện, một mái nhà chung để gắn bó và làm việc. Chuyên gia tư vấn kinh tế quốc tế Gregory P. Smith cho rằng: “Yếu tố thân thiện ở đây không đòi hỏi cần phải có sự đầu tư và chi phí, mà nó cần có thời gian và người quản lý thực sự quan tâm tới người lao động”.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, người lao động được quyền tự do lựa chọn người sử dụng lao động phù hợp cho mình. Nó tạo ra hiện tượng dịch chuyển chỗ làm và xu hướng người lao động chuyển từ DN này sang DN khác trong cùng địa bàn, thậm chí trong cùng lĩnh vực khi cảm thấy môi trường làm việc cũ không còn phù hợp đang trở thành phổ biến. Do vậy, để cạnh tranh, giữ được chân và thu hút người lao động về với mình, các DN không thể không nhận dạng được tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường làm việc thân thiện. Chỉ có chính sách nhân sự tốt mới có những nhân viên tốt.
Mời bạn đọc tham gia Con người là tài sản quý giá nhất của DN. Việc tạo ra môi trường làm việc thân thiện gắn liền với những thay đổi về cung cách quản lý, xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đối xử công bằng, coi trọng đóng góp của mọi người sẽ tạo ra những chất kết dính giúp DN tuyển dụng và giữ chân người lao động. Góp phần cùng DN tạo dựng một môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, Báo Người Lao Động mở chuyên mục “Vì môi trường làm việc tốt nhất”, xuất hiện định kỳ thứ năm hằng tuần trên Trang Việc làm & Lao động trẻ. Mời bạn đọc tham gia viết bài cho chuyên mục này. Nội dung bài viết bao gồm những phản ánh, đóng góp của bạn đọc về những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm rút ra được trong quản lý DN, quản trị nguồn nhân lực, về sự đối đãi, chăm lo quyền lợi cho người lao động của chính DN mình... Bài vở cộng tác xin gửi về chuyên mục “Vì môi trường làm việc tốt nhất”, Ban Chính trị - Công đoàn Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, Q.3 - TPHCM hoặc e-mail: ctcd@nld.com.vn , hoặc duyquoc@nld.com.vn . |
Bình luận (0)