“Hiện nay có tình trạng doanh nghiệp (DN) quy định rất nhiều khoản phụ cấp, thậm chí lớn hơn so với tiền lương. Điều này dẫn đến tiền lương đóng BHXH thấp hơn rất nhiều so với thu nhập, khiến người lao động (NLĐ) bị thiệt thòi quyền lợi”. Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết như vậy và xem đấy là hành vi lách luật trong trích nộp BHXH.
Gây thiệt thòi cho người lao động
Trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) của một DN sản xuất vật liệu xây dựng lớn tại TPHCM ký kết với NLĐ, mức lương thỏa thuận là 10 triệu đồng, song mức lương cơ bản để đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chỉ là 2,28 triệu đồng; phần còn lại (7,72 triệu đồng) là phụ cấp.

Một vụ ngừng việc tại TPHCM xuất phát từ việc doanh nghiệp không rõ ràng về tiền lương và các khoản phụ cấp
Mới đây, tại một DN có vốn nước ngoài trên địa bàn quận Thủ Đức - TPHCM đã xảy ra tranh chấp lao động liên quan đến vấn đề này. Khi làm việc với công nhân và các cơ quan chức năng, đại diện phòng nhân sự của công ty đã “mạnh miệng” tuyên bố: “Tiền lương và phụ cấp lương là 2 khoản khác nhau. DN chỉ cần đóng BHXH, BHYT và BHTN đúng như mức lương cơ bản đã đăng ký thì không có gì sai. Nếu không hài lòng, NLĐ có thể kiện ra tòa và DN sẵn sàng đi hầu”.
Theo ông Đỗ Quang Khánh, tại khoản 2, điều 94 Luật BHXH quy định rõ, NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên HĐLĐ. Tuy nhiên, DN đã “hô biến” tiền lương thành phụ cấp để né tránh đóng BHXH. Với kiểu lách luật như vậy, khi NLĐ nghỉ hưu, mức lương hưu sẽ thấp hơn rất nhiều so với tiền lương đang làm việc, gây khó khăn cho đời sống NLĐ.
Bộ LĐ-TB-XH mách nước cho doanh nghiệp ?
Cách đây không lâu, khi một số DN có thắc mắc về mức lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT và BHTN, Sở LĐ-TB-XH TPHCM và Cơ quan BHXH TP thống nhất hướng dẫn mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH cho NLĐ bao gồm cả các khoản phụ cấp.
Thế nhưng thời gian gần đây, tại TPHCM và các tỉnh lân cận lại rộ lên tình trạng các DN thắc mắc với cơ quan BHXH về mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Các DN này cho rằng mức đóng BHXH, BHYT và BHTN hằng tháng chỉ cần dựa trên mức lương chính (cao hơn lương tối thiểu chút ít). Song lập luận này đã bị cơ quan BHXH bác bỏ. Tại các KCX-KCN TP, qua phát hiện hành vi lách luật này của các DN, Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TP đã gửi công văn đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nghiêm.
Cứ tưởng cách giải quyết như vậy là hợp tình, hợp lý, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ, nhưng mới đây, lãnh đạo Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) lại có quan điểm hết sức lạ lùng. Trong công văn trả lời BHXH Việt Nam, Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng tiền lương và phụ cấp là hai khoản khác nhau nên tiền lương, tiền công đóng BHXH đối với NLĐ làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định không bao gồm các khoản phụ cấp.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Phụ cấp cũng là lương Trong thực tế, nhiều DN đặt ra các khoản phụ cấp thêm ngoài lương cho NLĐ. Điều này chỉ có ý nghĩa khi tiền lương đã được trả đúng giá sức lao động và phụ cấp là để khuyến khích, động viên. Còn việc DN “chia nhỏ” tiền lương thành các khoản phụ cấp, dẫn đến tiền lương thấp hơn phụ cấp để né tránh nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, BHTN là lách luật. NLĐ nên hiểu rõ điều này để tự bảo vệ. Trong tình hình hiện nay, LĐLĐ TP bảo lưu quan điểm: Mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH cho NLĐ phải bao gồm các khoản phụ cấp. |
Bình luận (0)