Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đưa lao động vào bằng đường du lịch, sau đó hợp thức hóa thủ tục xin cấp giấy phép lao động bằng chứng nhận nghề. Nhiều tỉnh, thành đang “đau đầu” vì việc trục xuất lao động nước ngoài trái phép vô cùng khó khăn.
Minh họa: nguyễn Tài
Khó quản lý
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang tại hội nghị giao ban các ban quản lý KCN-KCX của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức ở Đồng Nai mới đây, Tiền Giang hiện có 15 dự án vốn đầu tư và một nhà thầu xây dựng nước ngoài.
Các dự án này thu hút 187 lao động nước ngoài của các nước và vùng lãnh thổ: Nhật, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc... Trong đó, số lao động Trung Quốc chiếm 147 người. Tiền Giang đã cấp giấy phép lao động cho 133 người, 54 lao động còn lại do các nhà thầu nước ngoài đưa đến để xây dựng nhà máy.
Điều đáng nói là lao động nước ngoài vào Tiền Giang đa số không có giấy phép lao động. Phương thức của họ là sử dụng hộ chiếu du lịch, đầu tư sang làm việc mang tính thời vụ, hết thời gian lại về nước đổi số lượng người khác qua.
Hầu hết các công nhân theo nhà thầu xây dựng đều là lao động phổ thông, không đủ điều kiện để cấp giấy phép lao động và việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn vì hộ chiếu còn thời hạn ở VN; một số trường hợp làm giấy xác nhận kinh nghiệm ở các công ty nước ngoài nhằm hợp thức hóa thủ tục xin cấp giấy phép lao động để được làm việc ở VN.
Mặt khác, việc quản lý lưu trú lao động nước ngoài cũng bộc lộ rất nhiều phức tạp do các nhà thầu đến xây dựng nhà máy trong các KCN đã tự xây dựng lán trại tại công trường để cho công nhân ở, làm việc trái với quy định. Nhiều DN nước ngoài xin phép xây dựng nhà nghỉ trưa cho công nhân nhưng thực tế bố trí cho người nước ngoài ở, làm việc trong DN nên việc quản lý gặp khó khăn.
Còn tại tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 4-2010, có 3.837 lao động nước ngoài nhưng chỉ 2.554 người được cấp giấy phép lao động. Hầu hết các DN do Đài Loan, Trung Quốc đầu tư đều sử dụng lao động nước ngoài không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn mà chỉ sử dụng lao động phổ thông, sau đó hợp pháp hóa thủ tục xin cấp giấy phép lao động bằng chứng nhận nghề. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho biết vừa thanh tra 11 DN có vốn đầu tư nước ngoài và đã phát hiện 381 lao động nước ngoài (trong khi đó, các DN báo cáo chỉ sử dụng 331 người).
Trong đó, 131 người có thời hạn làm việc từ 6 tháng đến 5 năm (đa số là lao động Trung Quốc) nhưng không có giấy phép lao động. Còn lại 125 lao động có giấy phép lao động nhưng không có bằng cấp chuyên môn.
Tháng 5-2010, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trục xuất 40 lao động nước ngoài đang làm việc trái phép.
Chấp nhận phạt
Ông Nguyễn Minh Lành, Chánh Thanh tra Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động, tuyển dụng, sử dụng lao động và an toàn vệ sinh lao động còn rất lỏng lẻo. Theo ông Lành, đa số DN đều có vi phạm ít nhiều về các chính sách đối với người lao động nên xảy ra các cuộc đình công làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội.
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng cho rằng Nghị định 34/CP của Chính phủ quy định việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại VN có hiệu lực thi hành từ ngày 12-4-2008 và Bộ LĐ-TB-XH cũng đã có Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, trong khi lao động nước ngoài vào VN ngày càng tăng thì công tác quản lý vẫn không theo kịp.
Theo vị này, quy định người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần xin cấp giấy phép lao động đã tạo kẽ hở cho lao động nước ngoài nhập cảnh trái phép vào VN. Nhiều DN đưa lao động vào làm việc rồi mới làm thủ tục cấp giấy phép lao động hoặc đưa lao động vào bằng đường du lịch, ở lại làm việc, sau đó hợp thức hóa thủ tục xin cấp giấy phép lao động bằng chứng nhận nghề. “Các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe nên nhiều DN sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục vi phạm”- vị này nói.
Vi phạm sẽ bị trục xuất
Bộ LĐ-TB-XH đang soạn thảo quy định về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị trục xuất. Những người nước ngoài làm việc từ 3 tháng trở lên không có giấy phép lao động sẽ không được cấp visa nhập cảnh hoặc không được gia hạn giấy định cư tạm thời. Dự kiến tháng 7-2010 sẽ xem xét, thông qua. Sáu tháng sau ngày có hiệu lực, mọi lao động nước ngoài không tuân thủ quy định nói trên sẽ bị trục xuất. |
Bình luận (0)