Việc biết và sử dụng được ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong giao tiếp và làm việc ngày càng trở nên quan trọng. Thế nhưng, phần đông lao động trẻ hiện nay còn thiếu và yếu ngoại ngữ, ít chịu đầu tư cho việc học, chưa xem nó là công cụ cần thiết cho phát triển nghề nghiệp.
Sinh viên tìm hiểu về “Vườn ươm tài năng quản trị” của Tập đoàn Hoa Sen tại ngày hội nghề nghiệp.
Tại ngày hội này, sinh viên tham gia phải sử dụng tiếng Anh
90% chỉ biết... sơ sơ tiếng Anh
Khảo sát về hiện trạng việc làm của lao động trẻ năm 2009 của Báo Người Lao Động thực hiện vào cuối tháng 11, đưa ra những con số rất đáng chú ý. Trong tổng số 1.017 ứng viên được khảo sát, có 92,22% có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp trở lên; trong đó có 57,12% có bằng cấp CĐ-ĐH. Tuy nhiên, chỉ có 8,77% ứng viên cho biết là giao tiếp và sử dụng được ngoại ngữ cho công việc, ít nhất có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C, hoặc IELTS, TOEFL... Trong khi đó, có đến 43,27% ứng viên chỉ dừng lại ở chứng chỉ B ngoại ngữ hoặc tương đương trình độ B (xếp theo thời lượng học ngoại ngữ trong quá trình học chuyên môn); thậm chí chỉ ghi chung chung: Anh văn giao tiếp. 47,95% còn lại chỉ mới học qua sơ cấp, không thể giao tiếp được bằng ngoại ngữ.
Kết quả khảo sát còn cho thấy do đặc thù công việc, dẫn đến mức độ hiểu biết và sử dụng được ngoại ngữ có sự chênh lệch rõ ràng giữa các ngành nghề mà ứng viên làm việc. Tỉ lệ ứng viên sử dụng được ngoại ngữ cho giao tiếp và làm việc cao nhất thuộc về nhóm có bằng cấp chuyên môn về quản trị kinh doanh, ngoại thương (với 21% trong số 243 ứng viên thuộc nhóm này). Tỉ lệ trên là không cao nhưng lạc quan hơn nhiều so với nhóm tài chính – kế toán, nhóm làm việc tại văn phòng, chỉ có 10% trong số 449 ứng viên sử dụng được ngoại ngữ; còn lại 90% ứng viên ở nhóm này có chứng chỉ ngoại ngữ cao nhất là chứng chỉ B. Thấp nhất có lẽ là ở các nhóm ngành nghề kỹ thuật. Trong số 235 ứng viên các nhóm ngành kỹ thuật, kết quả tìm thấy dưới 5% sử dụng được ngoại ngữ. Hầu hết trong số này không theo học bất kỳ các khóa đào tạo ngoại ngữ nào mà chỉ học tiếng Anh chuyên ngành trong quá trình học chuyên môn.
Giỏi ngoại ngữ, việc làm tốt hơn
Xem xét kỹ quá trình làm việc và thăng tiến nghề nghiệp của ứng viên, dễ nhận ra sự khác biệt về cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa hai nhóm ứng viên biết và không biết sử dụng ngoại ngữ.
Cùng trình độ chuyên môn nhưng người sử dụng tốt tiếng Anh thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, họ có thể lựa chọn nơi làm việc tốt hơn, phổ biến là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thường có mức thu nhập cao hơn những người không sử dụng được ngoại ngữ. Điển hình như trường hợp ứng viên Đỗ Tiến Quân, sinh năm 1979, theo học Khoa Ngoại thương Trường ĐH Kinh tế TPHCM niên khóa 2006-2009. Nhờ trước đó có bằng cử nhân Anh văn, Quân dễ dàng tìm được việc làm ở công ty nước ngoài. Ngay sau khi lấy được bằng chuyên môn, ứng viên này nộp hồ sơ dự tuyển mới với mức lương đề nghị 8 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần so với những người khác. Còn chị Trần Thị Ngọc Hương, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngoại thương Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đã bỏ thời gian theo học thêm Anh văn thương mại, giúp chị dễ dàng tìm được công việc ở các doanh nghiệp nước ngoài như Toein Construction
Đừng tự đánh mất cơ hội
Khi tham khảo kết quả khảo sát nói trên, các chuyên gia lao động đều có chung nhận định: Hạn chế về ngoại ngữ là thực trạng chung hiện nay của lao động trẻ VN. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng việc không sử dụng được ngoại ngữ khiến ứng viên đánh mất cơ hội tìm kiếm chỗ làm việc tốt, thuận lợi và thăng tiến. Họ bị hạn chế trong làm việc, phát triển sự nghiệp và sẽ khó khăn hơn đối với người cùng trình độ, làm cùng công việc nhưng giỏi ngoại ngữ.
Ông Dendievel, chuyên viên tư vấn nhân sự của Công ty Consultal, cho rằng lao động trẻ VN rất năng động. Nhưng nhược điểm của họ là ít chịu đầu tư phát triển nghề nghiệp, trong đó có việc chưa xem trọng vai trò của ngoại ngữ, xem nó như công cụ để thuận lợi và thăng tiến hơn về việc làm. Theo ông, hiện vẫn còn rất ít người Việt nắm giữ vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp nước ngoài mà một phần nguyên nhân do không biết ngoại ngữ.
Kết quả đáng chú ý được đúc kết từ khảo sát là phần đông ứng viên giỏi ngoại ngữ thường tìm được việc làm có mức thu nhập cao hơn ứng viên không biết ngoại ngữ từ 30% đến 50%. Ngoài ra, so với nhóm ứng viên không biết ngoại ngữ, cơ hội phát triển nghề nghiệp, việc thăng chức, thăng cấp quản lý của ứng viên biết ngoại ngữ nhiều hơn, mất ít thời gian hơn. |
Bình luận (0)