“Cách đây 10 năm, tôi đến TPHCM với hy vọng tìm được một việc làm ổn định, có thu nhập đủ sống và tích lũy để lo cho tương lai. Nhiều bạn bè của tôi muốn đi tìm cơ hội đổi đời, hay ít nhất là được sống ở một TP văn minh, với nhiều tiện ích hơn ở quê nhà. Thế nhưng đã 10 năm trôi qua, chúng tôi tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Chị N.T.T.L, công nhân (CN) Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân- TPHCM), buồn bã nói với chúng tôi.
Công nhân Công ty Dong Il Vina (quận 12-TPHCM) ngừng việc đòi lương, thưởng. Ảnh: N.DƯƠNG
Nghịch lý lao động nhập cư
Theo thống kê của các cơ quan chức năng TPHCM, hiện có khoảng 70% trong số 1,5 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) là lao động nhập cư. Điều đó có nghĩa, TP không chủ động được nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của TP. Một TP có trên 8 triệu dân, là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành đứng đầu cả nước nhưng lại bị phụ thuộc vào lực lượng lao động đến từ nơi khác.
Do thụ động như vậy nên nhiều năm qua, tình trạng khan hiếm lao động liên tục xảy ra. Thậm chí, ngay trong thời gian suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất từ cuối năm 2008 đến 2009, nhiều DN phải giải thể, đóng cửa... nhưng nhiều DN tìm đỏ mắt vẫn không ra nguồn lao động theo đúng yêu cầu. Mặt khác, do sử dụng nguồn lao động “trôi nổi” như vậy nên rất ít DN có được đội ngũ lao động ổn định, có chất lượng. Đó là nguyên nhân chính làm cho năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm, thu nhập của người lao động (NLĐ) thấp.
Vắt kiệt chứ không nuôi dưỡng
Gặp chị Nguyễn Thị Đào, CN cũ của Công ty T.T.T.I (KCX Tân Thuận-TPHCM), mới đây, chị cho biết công ty tăng ca nhiều nhưng lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng nên chị xin nghỉ việc. “Tôi định nộp đơn vào Công ty Tosok ở ngay cạnh công ty cũ. Nhưng nhìn chung, tiền lương, phúc lợi của các công ty cũng như nhau, chỉ có khác phụ cấp tiền nhà trọ, đi lại...”. Nhiều CN cho biết họ làm việc nhưng luôn để ý xung quanh xem công ty nào có mức lương cao hơn chút đỉnh là “nhảy việc”. Một nữ CN Công ty N. (KCX Linh Trung 1) nói: “Từ sau tết đến nay, do nhiều CN bỏ việc, công ty không tuyển được lao động mới nên chúng tôi phải tăng ca liên tục, nhưng thu nhập cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Làm sao có thể gắn bó khi công ty trả lương rẻ mạt mà lại vắt kiệt sức CN?”.
Kết quả một cuộc thăm dò mới đây của Báo Người Lao Động trên 1.000 CN tại 3 khu nhà lưu trú CN ở quận 12, Thủ Đức và Bình Tân, cho kết quả: Dù phải cắt giảm phần lớn nhu cầu của đời sống như vui chơi, giải trí, ăn, mặc, ở, giao tiếp... nhưng 80% CN không có tích lũy. Chị N.T.L, làm việc ở Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1) gần 10 năm, cho hay: “Trước kia, khi giá cả chưa tăng cao như bây giờ, nếu chịu khó dành dụm thì cứ vài tháng, tôi lại mua được 1 chỉ vàng. Còn bây giờ tháng nào xào hết tháng đó, thậm chí nếu bị bệnh còn phải vay mượn, nợ nần”.
Tại huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hàng trăm CN đang sống trong những khu nhà trọ nhếch nhác, không có bất cứ tiện nghi nào. Một nữ CN Công ty Pou Yuen khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh định chụp bữa ăn đạm bạc của cô và bạn bè đã ngăn lại: “Chị đừng đăng báo, nếu không, lỡ mọi người ở quê nhìn thấy sẽ xấu hổ lắm”.
Hậu quả tất yếu
Hiện nay, khắp các KCX-KCN TP, đi đâu cũng thấy bảng tuyển dụng với những thông tin rất hấp dẫn: Lương thấp nhất là 2 triệu đồng, nếu tăng ca có thể thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, NLĐ còn được thưởng lễ tết, đi du lịch, trợ cấp nuôi con nhỏ, có nhà ở miễn phí... Thế nhưng các DN vẫn không tìm đủ lao động để bù lại số lượng bị mất, những DN mở rộng sản xuất thì càng khốn đốn hơn. Lý giải cho tình trạng này, các chuyên gia lao động cho rằng đây là hậu quả tất yếu của việc CN bị đối xử tệ bạc trong một thời gian quá dài, như lương thấp, cường độ làm việc căng thẳng, ăn uống kham khổ, sức khỏe sa sút, không được bảo đảm quyền lợi theo luật định; thậm chí còn bị xúc phạm nhân phẩm...
Một lý do khác khiến nhiều NLĐ nhập cư không còn xem TPHCM là “đất lành” là bởi họ không tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện, nước, nhà ở, học hành cho con em...) như một công dân TP. Làm quần quật nhưng không thể tích lũy, cơ hội thăng tiến hầu như không có, bị phân biệt đối xử... đã khiến một lực lượng lớn lao động nhập cư không còn tha thiết ở lại. Và nguy cơ tìm không ra nguồn lao động cho phát triển kinh tế TP đã ở ngay trước mắt.
Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực
|
Bình luận (0)