Ấn tượng của tôi khi ghé thăm phòng làm việc của nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Hữu Tư Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Công ty CP Vàng bạc Đá quý Bến Thành (Tổng Công ty Bến Thành), là những mẫu cài áo được thiết kế độc đáo và lạ mắt bày la liệt trên bàn.
“Đây là những mẫu cài áo làm theo đơn hàng của một số tổng công ty lớn. Do vậy, ngoài việc phải bảo đảm các tiêu chí do khách hàng yêu cầu, mỗi sản phẩm phải được thiết kế thật trang trọng, ấn tượng” - ông Nghĩa cho biết.
Nối nghiệp gia đình
Ông nội và cha của ông Nghĩa đều là những thợ bạc trứ danh ở vùng Bà Điểm và chợ Nguyễn Tri Phương (TPHCM). Với mong muốn nối nghiệp cha, học hết lớp 12 (năm 1980), ông Nghĩa thi vào Trường Công nhân Kỹ thuật 4 (thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim) để theo học ngành nguội dụng cụ - một lĩnh vực liên quan khá mật thiết đến việc chế tác vàng bạc. Thấy cậu học trò chịu khó, lại sáng dạ, các thầy luôn tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm.
Sau giờ học ở trường nghề, buổi chiều, Nghĩa đạp xe đến nhà ông Mười Chương, một thợ bạc nổi tiếng vốn là học trò của ông nội ngày trước, để học nghề thợ bạc. Biết để tâm đến từng thao tác được thầy hướng dẫn, chịu khó học hỏi cái hay của đàn anh đi trước..., Nghĩa mau chóng thành thạo các kỹ năng của nghề, từ những công việc đơn giản nhất như làm nhẫn trơn đến các công đoạn phức tạp để cho ra đời một chiếc nhẫn hột.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Tư Nghĩa đang thiết kế mẫu trang sức trên máy tính
“Những lần bị thầy quở trách là những lần tôi rút ra được bài học kinh nghiệm cho chính bản thân. Bài học lớn nhất để có thể đeo đuổi nghề là không được nản chí” - ông Nghĩa nói. Nhờ vậy, khi tốt nghiệp trường nghề, ông đã có vốn kiến thức lẫn tay nghề vững vàng. Đó cũng là lý do mẹ ông quyết định mở tiệm kinh doanh, khôi phục lại nghề truyền thống của gia đình.
Thành công từ niềm đam mê
Được kế thừa sự nghiệp của cha ngay trong chính cửa tiệm của gia đình là niềm hạnh phúc của Nghĩa, song ông tự nhận thấy tay nghề của mình có dấu hiệu bị chững lại. “Do vậy, tôi muốn tìm một nơi để nâng cao kỹ năng, phát triển nghề nghiệp lâu dài. Được người quen giới thiệu, năm 1988, tôi xin vào Công ty Vàng bạc Đá quý quận 1 (tiền thân của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Bến Thành). Đây là bước ngoặt của cuộc đời tôi, bởi môi trường mới đã cho tôi cơ hội phát triển nghề nghiệp”.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Tư Nghĩa đúc kết: “Nghề thợ bạc coi vậy chứ cực lắm. Ngoài sự tỉ mỉ, sáng dạ, đầu óc giỏi tính toán, người thợ phải biết cầu tiến. Mỗi sản phẩm phải là sự kết tinh giữa óc sáng tạo và niềm đam mê nghề nghiệp mãnh liệt của người thợ”. |
Được làm việc với nhiều thợ bậc cao, có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, tay nghề của ông Nghĩa phát triển vượt bậc. Tham dự hội thi “Thiết kế và chế tác nữ trang VN” do Hội đồng Vàng thế giới và Công ty SJC phối hợp tổ chức, lấy ý tưởng từ “Mười tám thôn vườn trầu” quê cha, ông Nghĩa đã cho ra lò sản phẩm nữ trang mang tên “Trầu cau” mang đậm bản sắc Việt với đường nét chế tác tinh xảo đã thuyết phục được ban giám khảo.
Chịu khó học hỏi, nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng, liên tiếp từ năm 2005 đến 2007, ông đã gây ấn tượng với hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 2007, ông vinh dự được nhận danh hiệu “Nghệ nhân kim hoàn TPHCM” do Hội Mỹ nghệ Đá quý TPHCM trao tặng.
Với nhiều công nhân ở xưởng chế tác, ông Nghĩa còn là một người thầy tận tâm. Ông luôn chỉ bảo tận tình cho lớp thợ trẻ, không giấu giếm bất cứ điều gì. “Tôi thành danh như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo công ty; do vậy, kèm cặp, chỉ bảo cho thợ trẻ giỏi nghề vừa là tình nghĩa vừa là trách nhiệm”- ông Nghĩa tâm sự.
Theo bà Lê Cẩm Hồng Phượng, Phó Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Bến Thành, những giải thưởng mà ông Nghĩa đoạt được trong các hội thi đã khẳng định trình độ tay nghề, niềm đam mê nghề nghiệp, đặc biệt là sự sáng tạo của ông. Những cống hiến ấy không chỉ giúp công ty khẳng định uy tín thương hiệu mà còn phát triển bền vững. Điều quan trọng hơn là với vai trò thợ cả, ông luôn tận tình kèm cặp, hướng dẫn nghề nghiệp cho thợ trẻ, giúp công ty có một đội ngũ thợ giỏi nghề.
Bình luận (0)