Tranh thủ lúc nghỉ trưa, anh mới dành cho tôi khoảng thời gian ngắn ngủi để trò chuyện. Khi tôi ghé vào Sở Công nghiệp tỉnh Bình Dương - nơi đang công tác - anh đang cùng đồng nghiệp khệ nệ những thùng máy vi tính lắp đặt cho hệ thống máy vi tính cơ quan. Anh cười bảo: “Tôi lại phải chuẩn bị cho chương trình tin học hóa công tác quản lý Nhà nước ở sở nên hơi bận rộn”.
Chú bé bán than trở thành thủ lĩnh
Khác với dự đoán của tôi, anh có dáng người nhỏ nhắn và nước da ngăm đen của anh không để lại ấn tượng về một du học sinh đã từng đi học ở Nga suốt gần 10 năm trời. Mới 33 tuổi nhưng anh già dặn với mái tóc điểm nhiều sợi bạc. Trông anh giống một anh chàng nhà nông hơn là một tiến sĩ hiện đang làm công chức Nhà nước. Sinh ra tại Thủ Đức nhưng tuổi thơ của anh gắn liền với vùng kinh tế mới ở xã Tân Bình, huyện Tân Uyên - Sông Bé. Đến bây giờ, anh còn nhớ mãi những tháng ngày gắn liền với công việc làm cỏ, chăm sóc cao su và những lần đi bán than kiếm tiền sinh sống. Anh kể: Lúc đó mình học cũng khá nhưng chưa xác định được mục tiêu việc học nên mình không có ý định học đến nơi đến chốn. Năm lên lớp 9 vì mãi đi buôn than mà tôi bị kiểm lâm bắt hai lần và có lần bị bắt gần ngày thi tốt nghiệp. Tôi đã phát khóc năn nỉ cán bộ rất nhiều mới được thả ra. Cũng chính vì ham kiếm tiền sớm mà tôi xem nhẹ việc học và năm ấy kết quả đậu vào lớp 10 tôi có điểm số rất thấp.
Theo học được một học kỳ lớp 10 tại trường Huỳnh Văn Nghệ - Tân Uyên anh lại bỏ học giữa chừng. Một năm ở nhà anh lại tiếp tục phụ giúp gia đình làm nông, bán than. Một năm vật lộn với cuộc sống anh cảm thấy chán chường. Rồi một ngày anh chợt nghĩ: “Chẳng lẽ sau này mình chỉ là công nhân, rồi lấy vợ và chỉ biết quanh quẩn với mảnh đất nhỏ bé này. Mình phải thay đổi cuộc đời”. Cũng chính năm ấy cậu bé bán than từ bỏ mọi công việc để dự thi vào lớp 10 của Trường Vừa học Vừa làm Phước Sang - một trong những trường có tỉ lệ tuyển chọn học sinh rất khắc nghiệt. Kết quả cậu được trường tuyển chọn. Nhờ khả năng lãnh đạo tốt nên đầu năm lớp 10 cậu bé bán than được trường bầu làm phó ban lao động. Đến năm lớp 12 cậu được trường tín nhiệm bầu làm bí thư đoàn. Anh kể: “Những năm tháng tại đây tuy khó khăn nhưng đã tập cho tôi tính kiên nhẫn, chăm chỉ học tập. Mỗi tối dù học bài dưới ánh đèn dầu tù mù nhưng tôi vẫn không xao lãng. Thêm vào đó hình ảnh các thầy, cô tận tụy dạy dỗ đã cho tôi nhiều nghị lực”.
Trở thành nghiên cứu sinh
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp PTTH anh đăng ký dự thi vào Đại học Kinh tế và Tài chính Kế toán. Kết quả anh đậu cả hai trường. Điều đáng mừng là ở kết quả thi của trường kinh tế anh đủ điểm đi du học tại Nga. “Tin ấy đến với tôi thật bất ngờ vì gia đình tôi vốn có lý lịch không tốt. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được đi học xa như thế”- anh tâm sự. Cũng trong thời gian học tại trường dự bị đại học anh đã quen với chị Đinh Thị Kim Liên - bạn học cùng khóa - và là vợ anh hiện nay.
Ngày 13-8-1990 anh chính thức lên đường đi Nga. Tại đây anh chọn theo học trường Đại học Giao thông Đường sắt Matxcơva, còn chị chọn ngành dược. Trong những năm đầu anh chỉ sống bằng tiền học bổng. Rồi khi kinh tế Nga xuống dốc anh phải vừa học vừa phụ việc buôn bán kiếm thêm tiền sinh sống. Sau 5 năm cố gắng anh đã tốt nghiệp đại học và tin vui ấy cũng đến với chị. Năm ấy anh và chị tiến hành lễ cưới tại nước Nga xa xôi. Một năm sau con anh chào đời. Cả gia đình sống trong căn hộ nhỏ bé của ký túc xá dành cho sinh viên.
Đạt được tấm bằng đại học anh không dừng lại ở đấy mà tiếp tục ở lại Nga theo đuổi việc học. Bốn năm tiếp theo anh không quản khó khăn tập trung cho việc làm luận án. Năm 1999 anh bảo vệ xong luận án với đề tài “Cơ sở tính toán cấu trúc Paragol” và cũng với đề tài ấy anh nhận được bằng tiến sĩ do Ủy ban Tối cao Liên bang Nga cấp.
Phục vụ quê nhà
Ngày 27-6-1999 anh trở về Việt Nam tạm trú tại TPHCM. Tại đây anh đã nộp đơn xin việc ở nhiều nơi, trong đó có Xí nghiệp Liên hợp Đường sắt 3, Trường Cao đẳng Hải quan, Sở Giao thông Công chánh. Một lần, trong dịp chở vợ về lại Bình Dương thăm người bạn anh được biết tại đây có chương trình thu hút nhân tài. Anh đăng ký tham dự và trong tổng số 100 hồ sơ gởi đến anh là người duy nhất được tỉnh Bình Dương mời gọi. Anh nói: “Khi ấy Xí nghiệp Liên hiệp Đường sắt và Trường CĐ Hải quan cũng có ý nhận tôi vào làm việc nhưng tôi lại chọn đất Bình Dương”.
Hiện anh đang phụ trách bộ phận kế hoạch đầu tư và quản lý công nghiệp tại Sở Công nghiệp Bình Dương. Một công việc hoàn toàn trái với chuyên ngành mà anh được học. Anh lại cố gắng học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, nhất là những người đi trước. Anh nói: “Tôi không khoác áo tiến sĩ làm việc mà coi mình như mọi người bình thường khác. Tôi luôn quan niệm cái mình cống hiến được gì chứ không nên đòi hỏi những gì cho bản thân mình”.
Bình luận (0)