Khởi nghiệp gian nan
Anh Nguyễn Hồng Phong, 36 tuổi, nhờ tài... học lóm mà làm nên nghiệp công ty sản xuất phân bón |
Năm 1990, sau khi tốt nghiệp THPT, do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp và liệu mình không đủ sức Nguyễn Hồng Phong thôi học. Ở nhà mãi, lại không có việc làm ổn định nên Phong đâm ra buồn chán. Một thời gian dài, Phong sa vào những trò đời vô bổ và ngày càng mất dần phương hướng. Ngay cả sau đó khi tìm được chân làm cán bộ xã nhưng chê đồng lương ít ỏi, Phong cũng bỏ ngang.
Năm 1995, dịch bệnh rầy nâu phá hại mùa màng, nông dân miền Trung khốn đốn. Cái khó ló cái khôn. Vốn có chút máu kinh doanh, Phong nảy ý định đi buôn gạo. Với vốn của gia đình cộng tiền vay mượn được vài chục triệu đồng, anh bắt đầu đi thu gom lúa về dự trữ, rồi tậu ngay cái máy xay gạo về mở cơ sở. Nhưng cũng chỉ sau một thời gian, buôn gạo ít lời, máy móc cũ, hư không cạnh tranh được, Phong tuyên bố... giải thể.
Mãi đến năm 2000, trong một lần đến chơi nhà bà con ở Đắk Lắk, anh phát hiện các nhà vườn trồng cà phê bị chết nhiều. Hỏi ra mới biết bà con không đủ tiền mua phân ngoại, lại cũng không biết loại phân gì trị bệnh cây cà phê hiệu quả. Thế là về nhà, Phong tìm tòi, suy nghĩ, rồi quyết tâm làm phân bón. Vay nóng ít vốn, anh bắt đầu đầu tư công nghệ sản xuất, kinh doanh các thuốc vi sinh, phân bón phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.
Dám nghĩ, dám làm
Từ thành công ban đầu với kinh doanh phân bón, tích cóp vốn liếng, tìm hiểu thị trường, nghiên cứu sản xuất, đầu tư công nghệ... đến năm 2005, Phong quyết định mở Công ty Hoàng Long Vina với số vốn ban đầu 2 tỉ đồng. Phong tâm sự: “Lúc đầu thấy mình cũng... liều thật. Nhưng dám nghĩ thì dám làm. Tôi mất nhiều năm để xin vào các công ty sản xuất phân bón vừa làm vừa học lóm nghề, tự mày mò nghiên cứu sản xuất, khảo sát nhu cầu, tìm hiểu thị trường mới quyết định mở công ty”.
Những mẻ phân ban đầu thất bại, không làm anh chàng tay ngang này nản lòng. Phong tìm đến một vài cơ sở cơ khí để gia cố chi tiết cho máy móc, đồng thời tiếp tục lấy những phân tích của chuyên gia đem về nhà nghiên cứu pha chế theo công thức, thành phần, khối lượng khác nhau... Đúng một năm sau, năm 2006, anh đem phân về xã Hòa Mỹ (huyện Tây Hòa), xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa - Phú Yên) cho bà con trồng dưa hấu và trồng lúa bón thử. Kết quả thật bất ngờ: năng suất trồng dưa hấu đạt 60 tấn/ha (cao hơn các loại phân khác), còn vụ lúa hè thu năm đó năng suất cũng tăng 20% so với việc sử dụng các loại phân khác.
Chỉ sau 3 năm mở công ty, Nguyễn Hồng Phong tạo dựng được cơ nghiệp vững chắc. Hiện nay, ngoài hàng chục loại thuốc, chế phẩm vi sinh phục vụ nuôi trồng thủy sản, công ty của anh còn sản xuất 40 loại phân NPK như 15-5-5, 16-8-16, 16-10-6, 20-5-5... tiêu thụ rộng khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Bạn của nhà nông
Nhìn cơ ngơi nhà máy, với đa dạng các sản phẩm, không ai ngờ rằng một người không bằng cấp như Phong lại làm được như vậy. Dẫn tôi tham quan nhà máy sản xuất phân NPK, Phong cho biết đây là nhà máy thứ hai mới đầu tư 20 tỉ đồng, thu hút hàng trăm lao động địa phương vào làm việc. Nhờ chú trọng cải tiến mẫu mã, chất lượng, sản phẩm của Hoàng Long Vina tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ngoài phục vụ tại địa phương, các sản phẩm của công ty anh hiện đã có mặt khắp cả nước như Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Lâm Đồng...
Ông Lê Mười, chủ trại tôm tại huyện Thạnh Phú-Bến Tre, bạn hàng của Hoàng Long Vina, nói: “So với sản phẩm của nước ngoài, chất lượng hạt xử lý nước của Hoàng Long Vina mà tôi thường xuyên đặt hàng không thua kém, giá lại rẻ hơn”. Bà Huỳnh Thị Thơm, một nông dân tại Cà Mau, nhận xét: “Tôi thấy ít có ông giám đốc nào gần gũi với bà con nông dân như giám đốc Phong. Chú ấy còn trẻ, nhưng chí lớn”.
Sắp tới, Phong cho biết sẽ tiến hành liên kết các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học để nghiên cứu sản xuất các loại phân bón lá từ nguyên liệu rong biển, đồng thời tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành đáp ứng nhu cầu thiết thực của bà con nông dân.
Nguyễn Hồng Phong tâm sự: “Tôi không tự ti vì mình không bằng cấp, không học qua trường lớp chuyên môn. Cái cần ở người muốn làm giàu là biết chịu khó, suy nghĩ làm ăn, tự mình vươn lên”. |
Bình luận (0)