Chạy đua tuyển dụng
Bà Mai Thị Trúc Ngân, Trưởng Phòng Công tác-Chính trị SV Trường ĐH Ngân hàng, cho biết ngoài 20 NH thương mại cổ phần (TMCP), quốc doanh đặt hàng tuyển dụng với trường 10 năm qua, hiện có rất nhiều NH nước ngoài, công ty chứng khoán tìm đến “xí chỗ” khi SV chưa tốt nghiệp. Trong đó, các NH như ABN (Hồng Kông), ANZ (Úc)... tuyển nhiều vị trí nhân viên, cán bộ giao dịch, chuyên viên, trưởng-phó phòng...
“Cơn lốc” săn lùng nhân lực của các NH nước ngoài đã làm các NH nội địa phải vào cuộc. Trong năm 2007, NH Nam Á tuyển 300 lao động ngành NH, kế toán, tín dụng... với mức lương từ 3 triệu đồng trở lên. Nam Á nhiều lần phối hợp với các cơ sở đào tạo tuyển lao động nhưng chưa đủ. Dự kiến đến năm 2010, nhân sự của đơn vị sẽ là 2.000-3.000 người.
Kế hoạch nguồn nhân lực cũng là một trong những mục tiêu chiến lược phát triển của NH TMCP Á Châu (ACB) nhiều năm qua. Các chương trình liên kết các trường ĐH nhận SV tập sự luôn được ACB chú trọng. Năm 2006, ACB tuyển 1.000 lao động. Riêng nhu cầu năm 2007 sẽ cần 1.200 lao động các ngành tài chính, tiền tệ, kinh tế...
Hiện NH Nhà nước Việt Nam đang tuyển dụng nhân sự cho 51 chi nhánh ở các tỉnh, thành. Các NH Đông Á, Phương Nam, Sài Gòn Công Thương, An Bình, Sacombank, Techcombank... cũng tích cực thu hút nhân tài.
Nhiều chuyên gia NH cho rằng khi gia nhập WTO, các NH Nhà nước đồng loạt mở chi nhánh, văn phòng giao dịch tại Việt Nam, vì vậy nguồn nhân lực tài chính NH sẽ đắt hàng hơn bao giờ hết.
Nếu trước đây cầu ít, cung nhiều thì hiện nay, tình hình ngược lại. Tùy theo từng vị trí, chức danh cụ thể mức lương của lao động NH cũng thay đổi: 3,5 triệu đồng đối với người mới tốt nghiệp và 10.000 USD/tháng cho các vị trí quản lý... Nhiều NH nội địa trả lương cũng không thua kém NH nước ngoài. Ngoài ra, các chế độ đãi ngộ được các NH bung ra như mua nhà, mua cổ phiếu cho nhân viên...
Ông Trương Minh Kiệt, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết tính đến thời điểm này trong số 30 đơn vị đăng ký tham gia ngày hội nghề nghiệp do trường tổ chức đầu tháng 7, đã có đến 50% NH, doanh nghiệp yêu cầu tuyển dụng lao động ngành tài chính, NH, marketing... Những lần tổ chức trước đây, nhu cầu này rất hiếm.
Phải có chiến lược con người
Giám đốc một NH TMCP cho biết sự cạnh tranh đang ngầm diễn ra khốc liệt, từ NH quy mô nhỏ đến NH lớn, từ địa phương này đến thành phố khác... Các NH nước ngoài sẵn sàng trả lương cao ngất ngưởng (từ 5.000-10.000 USD/tháng) để lôi kéo lao động từ các NH TMCP, quốc doanh. Ông cũng tiết lộ mới đây đơn vị mình phải vất vả khi không giữ được một trưởng phòng marketing sau hơn 5 năm hợp tác, hiểu rõ chiến lược kinh doanh của đơn vị.
Trước tình hình này, nhiều NH đã có chính sách riêng như liên kết với các trường CĐ, ĐH tổ chức ngày hội nghề nghiệp; hỗ trợ học bổng (trong năm 2007, 16 NH tài trợ ĐH Ngân hàng 283 suất (1 triệu đồng/suất); săn lùng SV giỏi... Từ năm 2005, ngoài khảo sát, điều chỉnh lương, xây dựng trung tâm đào tạo, ACB đã quy hoạch xong chiến lược nhân sự đến năm 2009... Còn Techcombank, hằng năm, mở 2 đợt tuyển dụng nhân sự vào tháng 4 và tháng 10 dành cho SV các trường CĐ, ĐH...
Ông Ngô Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc NH CP Phương Nam, cho rằng sắp tới sẽ không có sự phân biệt giữa các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Các chi nhánh nước ngoài với lợi thế công nghệ, nhân sự... sẽ mở rộng hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều này là thách thức cho hệ thống NH nội địa. Ông Châu nói: “Cần thành lập tập đoàn tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển”.
152 tổ chức tín dụng Hệ thống tổ chức tài chính NH Việt Nam hiện có 152 đơn vị, bao gồm: 7 tổ chức tín dụng Nhà nước, 31 NH TMCP đô thị, 4 NH TMCP nông thôn, 37 chi nhánh NH nước ngoài, 6 NH liên doanh, 9 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 46 văn phòng đại diện NH nước ngoài. Với mỗi tổ chức, có hàng trăm chi nhánh phủ khắp cả nước, số nhân lực mỗi nơi đang cần là hàng ngàn người. (Nguồn: NH Nhà nước Việt Nam) |
Bình luận (0)