Đến trang trại ba ba Tư Hồng (số 23 tổ 4, đường Võ Văn Bích, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi- TPHCM) đập vào mắt tôi là những chiếc ao rộng, nơi hàng ngàn con ba ba đang phơi mình trong nắng. Thấy người lạ, lũ ba ba rụt cổ, co chân chạy rơi tõm xuống ao tạo nên những âm thanh lụp bụp đến vui tai. Từ ngoài cửa, lão nông Nguyễn Thanh Hồng (Tư Hồng) cưỡi chiếc xe chở đầy thức ăn nào cá, cua, rau... lướt nhanh vào cổng. Vừa đỡ thức ăn xuống đất, ông đã xuề xòa “cái nghề nuôi ba ba vậy đó, sáng phải tranh thủ mua thức ăn, trưa xay mồi, chiều cho chúng ăn. Tất bật cả ngày cũng không hết chuyện”.
Ông Tư Hồng và con ba ba hơn 5 năm tuổi tại trang trại
Bỏ kinh doanh chuyển sang làm nông
Dẫn tôi xem một lượt những chiếc ao lớn nhỏ, ông cho biết: “Cái loài động vật lưỡng cư này thấy người là chúng rụt đầu, chạy trốn”. Ông đưa tôi đến trại ấp trứng, với hàng ngàn trứng ba ba đang được ủ trong cát, bật đèn. Những chú ba ba vừa nở thấy người, chạy vội vào thau nước. Cầm chú ba ba nhỏ trên tay, ông nâng niu: “Chỉ cần nuôi một năm là chúng nặng hơn 1 kg. Trong một năm ấy, mỗi con ba ba ngốn hết từ 12-14 kg thức ăn”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng: Ba ba là loài vật dễ nuôi nhưng để chúng phát triển và sinh trưởng tốt, mỗi mét khối nước chỉ nên thả 5-6 con. Khi nuôi, phải thay nước thường xuyên để giữ nguồn nước không bị ô nhiễm. Ba ba là loài sinh sản nhanh, trung bình mỗi năm đẻ 8 lần. Khi đẻ, trứng ba ba cần được ủ trong cát với nhiệt độ từ 28oC – 32oC, khoảng 50-55 ngày, ba ba sẽ nở. |
Những ngày đầu nuôi ba ba là cả một quá trình gian khổ đối với ông vì tài liệu không có và không biết cách làm bờ bao nên sau một năm, 4.000 con ba ba mà ông thả xuống chỉ còn lại 1.800 con. Đến khi ba ba đạt trọng lượng 1 kg, ông cũng không biết nơi đâu tiêu thụ.
Tìm đầu ra, nhân giống ba ba
Một lần, ông về lại nội thành thấy có quán bán đặc sản ba ba. Ông liền rủ vài người bạn vào quán thưởng thức. Sau chầu nhậu, cầm hóa đơn tính tiền, ông mới té ngửa vì mỗi ký ba ba giá tới 350.000 đồng.
Hai ngày sau, ông trở lại quán, đem theo vài con ba ba chào hàng. Khi được chủ nhà hàng hỏi giá bán, ông cũng không biết nên nói giá ra sao. Cuối cùng, khi chủ nhà hàng gặng hỏi mãi, ông ra giá 200.000 đồng/kg. Chủ nhà hàng liền gật đầu đồng ý, yêu cầu ông mỗi ngày cung cấp cho nhà hàng 10 con. Trong một lần giao hàng tại các quán, một đầu bếp hỏi ông “sao ba ba trứng nhiều mà ông bán uổng thế”. Trước câu hỏi của người đầu bếp, ông không khỏi trăn trở và nghĩ đến chuyện nhân giống để nuôi.
Năm 1996, ông tiến hành ấp trứng. “Tôi tưởng trứng ba ba ấp như trứng gà nên trước khi đem ấp, tôi đều thả trứng vô nước, xem trứng nào nổi chứng tỏ chúng khỏe mạnh. Không ngờ, hơn 3.000 trứng ba ba đợt ấy chỉ nở vài chục con". Sau lần thất bại ấy, ông tìm tài liệu về đọc và rút ra kinh nghiệm, muốn ba ba nở, trứng ba ba không được để ướt và nhiệt độ phải từ 28-32 độ C. Chỉ 2 tháng sau, hàng ngàn chú ba ba con ra đời trong trại ấp trứng của ông.
Hết lòng với nghề
Hiện ngoài trang trại 1,7 ha tại Củ Chi, ông còn có cơ sở tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với diện tích 7,5 ha. Chỉ riêng ba ba thịt, ông có đến gần 50.000 con. Ngoài ra, ông còn cung cấp ba ba giống cho nhiều nông dân tại TP và các tỉnh, thành có nhu cầu về giống. Trang trại của ông cũng giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với mức lương gần 2 triệu đồng/người/tháng. Riêng ông, 15 năm gắn bó với nghề nuôi ba ba, thành công với nghề cũng nhiều nhưng thất bại cũng không ít. Năm 2007, khi lũ ở đỉnh cao, hồ Dầu Tiếng xả lũ. Con đê cao 2 m mà ông đắp trong trang trại nghĩ không bao giờ nước vượt qua trở nên bất lực trước dòng nước cuồn cuộn. Mấy chục ngàn con ba ba được nuôi trong diện tích 7 ha bị nước cuốn trôi, mất trắng hơn 2 tỉ đồng.
Anh Thạch Đông, quê Trà Vinh, phụ việc tại trang trại của ông, kể: “Nhiều lần, mấy ông chủ các trại ba ba khác thấy mô hình ông Tư hiệu quả đến học hỏi kinh nghiệm. Đến nơi, thấy ông trầm mình trong ao, moi đất, nhiều khách tưởng ông là người giúp việc. Đến khi thấy ông bước từ ao lên, tiếp chuyện, họ mới biết ông chính là chủ. Với ai có ý học hỏi đều được ông Tư chỉ dẫn tận tình”.
Bình luận (0)