"Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được kỳ vọng là giải pháp quan trọng để giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Dù vậy, chương trình vẫn còn nhiều bất cập khi tỉ lệ lao động “sống” được với nghề còn quá thấp”. Ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận xét như vậy tại hội nghị tập huấn tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây.
Nghịch lý cung - cầu ở vùng xa
Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (trực thuộc Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH) cho biết có địa phương ở tỉnh Cao Bằng chỉ có 100 xe máy nhưng lại huy động 35 người học nghề sửa chữa xe gắn máy. Việc dạy tin học tại tỉnh này cũng được đánh giá chưa hiệu quả. Người học nghề không thể thành thạo vi tính sau 3 tháng theo học. Trái lại, người trồng lúa chỉ cần tập huấn 2 tuần về 2 kỹ năng quan trọng là phát hiện sớm sâu bệnh và kỹ thuật sơ chế sản phẩm nhưng các địa phương lại tổ chức cho nông dân học trong 3 tháng về những kiến thức họ đã có kinh nghiệm, như chọn giống, thủy lợi…
Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, mạng lưới cơ sở đào tạo và hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Một số trung tâm dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa có cơ sở vật chất nhưng hoạt động theo “mô hình” 1 giám đốc, 1 kế toán, 1 bảo vệ mà… không có giáo viên dạy nghề.
Người dân TP chê học nghề
Kinh tế phát triển vào bậc nhất cả nước nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của TP HCM vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện số lao động có việc làm sau khi học nghề ở TP HCM vẫn không đạt 70%. Theo nhiều quận, huyện, từ đầu năm 2013 đến nay, việc vận động người dân tham gia học nghề gặp không ít khó khăn.
Phòng LĐ-TB-XH quận Gò Vấp cho biết qua khảo sát nhu cầu học nghề của 54 hộ trên địa bàn quận, sau khi địa phương kiên trì vận động thì chỉ có 3 người có ý định học nghề. Tình hình ở huyện Bình Chánh cũng không khá hơn. Mặc dù Phòng LĐ-TB-XH huyện đã kêu gọi một số lao động học nghề nhưng lúc thông báo nhập học thì người dân cho hay đã có việc làm rồi.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận Bình Thạnh, than thở rằng cán bộ của quận đã đến từng hộ để khảo sát nhu cầu học nghề, song gần như 289 hộ dân không mặn mà với vấn đề trên. “Chúng tôi xuống vận động người dân bất kể ngày đêm nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối” - ông Ngọc nói. Trong thời gian tới, quận Bình Thạnh sẽ khảo sát lại để tránh bỏ sót đối tượng có nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, nếu vẫn không có người dân nào đăng ký học thì quận buộc phải làm văn bản xin… không tham gia chương trình.
Chắc chắn có việc làm rồi mới đào tạo Ông Đào Trọng Độ cho biết bằng 4 nhóm mô hình dạy nghề (dạy nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và đánh bắt xa bờ), hiện các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 1,3 triệu lao động nông thôn. Ông góp ý: “Các địa phương phải nghiêm túc quán triệt nguyên tắc không tổ chức dạy và học khi chưa dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm sau khi học”. Ngoài ra, mô hình dạy nghề cần nhân rộng đến các đối tượng, như: người nghèo, người thuộc diện bị thu hồi đất, lao động nữ... |
Bình luận (0)