Không “cầm tay chỉ việc”
“Không hợp với cách làm việc của sếp” là lý do khiến nhiều bạn trẻ thay đổi công việc. Tại Chương trình Việc làm của báo, những câu than phiền “Công ty gì mà chỉ biết quản lý theo cách gia đình hay sếp cứ xen vào công việc mà tôi đang làm rồi chỉ vẽ cái này, áp đặt cái kia...” luôn được các bạn trẻ đưa ra. Đối với họ, hình ảnh của nhà quản lý (NQL) cũng là yếu tố quan trọng để nhân viên quyết định gắn bó với công việc. Chân dung NQL hôm nay, theo bà Châu Thị Bé, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Liên doanh Hoa Việt: Là người biết khai thác tiềm năng cũng như nội lực để họ phát triển. Trong quá trình làm việc, bất kỳ nhân viên nào cũng có lúc chán nản và hơn ai hết người làm quản lý phải biết chia sẻ với nhân viên những khó khăn, bức xúc.
Ông Trần Hữu Đức, chuyên viên tư vấn nhân sự Công ty BCC, khuyên: Để khuyến khích nhân viên làm việc hiệu quả, NQL phải biết để nhân viên tự nhận ra vai trò trách nhiệm của mình đối với công việc mà họ đã, đang và sẽ làm. Cách tốt nhất là để nhân viên tự nói ra những ý kiến hay đề xuất của họ trong công việc. Từ đó họ sẽ có kế hoạch cụ thể và vận động theo mục tiêu đã đề ra.
Áp đặt sẽ không phát huy được tính sáng tạo
Ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc nhân sự Công ty American Standard, cho rằng: “NQL ngoài khả năng xác định được mục tiêu công việc; phân công, định hướng công việc cho nhân viên họ còn phải chủ động giao cho nhân viên quyền tự quyết định trong khả năng của họ. Đừng nên lấy quyền cấp trên mà áp đặt nhân viên khiến họ không thể phát huy khả năng sáng tạo”. Cùng quan điểm này, bà Tiêu Yến Trinh, Trưởng Phòng Dịch vụ nhân sự Công ty PriceWaterHouse, đưa ra quan niệm: Tôi không bao giờ tạo áp lực cho nhân viên trong quá trình làm việc bởi nếu như vậy công việc chẳng những không hiệu quả còn có tác dụng ngược lại. Một môi trường làm việc tự nguyện, không căng thẳng bao giờ cũng khuyến khích nhân viên phát huy hết khả năng của mình.
Những phẩm chất và khả năng của NQL nhân sự
. Có đức và tài. Tự tin, năng động.
. Có tinh thần cầu tiến và kiến thức tổng quát để sử dụng đúng người, đúng việc.
. Thấu hiểu văn hóa công ty.
. Có óc khôi hài, biết xây dựng môi trường làm việc thoải mái, kích thích lòng nhiệt huyết mọi người.
. Tạo cơ hội hòa nhập cho nhân viên.
. Hiểu tâm tư nguyện vọng, biết lắng nghe và tiếp xúc với nhân viên.
. Luôn công bằng, thẳng thắn và biết giải quyết hài hòa mâu thuẫn.
. Có khả năng giao tiếp tốt, thuyết phục và giải quyết vấn đề.
(Nguồn: Kết quả nghiên cứu chân dung giám đốc nhân sự Việt Nam - do Công ty BCC thực hiện) |
Bình luận (0)