Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG), các ngành tài chính, thương mại, y tế, điện tử viễn thông… đang bị thiếu hụt nhân sự cấp cao trầm trọng nhất. Lượng cầu nhân sự có tay nghề cao và đội ngũ quản lý đã tăng lên gấp hai lần so với năm 2003. Dự đoán, con số này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2012. Tuy nhiên, lực lượng nhân sự trong nước chỉ có thể đáp ứng được một nửa mức cầu này.
Lượng cầu nhân sự ở các ngành kế toán, tài chính, ngân hàng, marketing, tư vấn pháp lý và CNTT đã tăng 70% so với năm 2005. Và các doanh nghiệp phải bước vào “cuộc chiến giành nhân tài” đang xảy ra khốc liệt trên thị trường lao động hiện nay.
Chẳng những thiếu về lượng, nguồn nhân lực trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Một công ty tuyển vị trí quản lý cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh đã mất đến sáu tháng mới có thể tìm được một ứng viên ưng ý. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi số lượng doanh nghiệp của Việt Nam vượt trên con số 500.000 vào năm 2010? Khi đó Việt Nam sẽ phải tiếp tục “nhập khẩu” nhân sự từ nước ngoài?
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH), lượng lao động nước ngoài tăng trung bình khoảng 60% mỗi năm kể từ năm 2004. Vào cuối năm 2006, có đến 34.000 lao động nước ngoài đang công tác tại Việt Nam; trong đó 31,8% giữ các vị trí quản lý cấp cao và 41,2% lao động có tay nghề cao.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự cấp cao hiện nay, BLĐTBXH lên kế hoạch tăng lượng nhân sự có tay nghề cao chiếm từ 30% đến 50% lực lượng lao động cả nước. Bộ dự định sẽ chi khoảng một tỉ đô la Mỹ để xây dựng các trung tâm huấn luyện và đào tạo tại các thành phố lớn.
Bình luận (0)