Năm 1998, Nguyễn Phi Vân đang là Giám đốc tiếp thị khách sạn Saigon Star. Những tưởng đây là điều kiện tốt để cô gái 26 tuổi có những bước đi vững chắc trong tương lai, nhưng đùng một cái, chị lại quyết định từ bỏ tất cả để theo học ngành du lịch tại Sydney (Úc). "Lúc đó nền kinh tế c hâu Á đang khủng hoảng, tôi muốn thu thập kiến thức để đón chờ cơ hội mới khi cơn khủng hoảng qua đi" - chị giải thích cho quyết định khá "ngược đời" của mình.
Hành trang 12.000 đôla Úc chỉ giúp chị trang trải 6 tháng học phí và 3 tháng sinh sống tại Sydney. Để có tiền đóng học, chị phải làm thêm công việc chạy bàn, dọn phòng. Chị nhớ lại: "Trong 8h, tôi làm việc quần quật và phải tính thời gian chặt chẽ mới kịp dọn 16 phòng rộng thênh thang.
Còn khi làm phục vụ bàn ở khu triển lãm Sydney, tôi phụ trách 3 bàn cỡ 10 người ăn, dọn ra dọn vào các món ăn và đồ uống đã đủ mệt bở hơi tai. Có ngày, ca làm việc từ 18h tối tới 2h sáng, chỉ kịp nghỉ vài tiếng rồi 7h sáng vào lớp học...". Bị quá tải vì cường độ làm việc nặng nhọc, nhiều đêm chị đã khóc. Nhưng không thể bỏ cuộc vì nỗi lo sợ trở về tay trắng còn lớn hơn.
Kết thúc 2 năm học, chị học tiếp bằng thạc sĩ. Vốn tiếng Anh khá dần giúp chị trúng tuyển vào vị trí nhân viên giao dịch tại Flairview, một tập đoàn du lịch, bất động sản, viễn thông lớn của Úc. Trong vòng hơn 1 năm, bằng nỗ lực vượt bậc, Phi Vân đã trải qua các vị trí nhân viên kinh doanh, trưởng phòng rồi Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á. "Lúc đó, tôi là người Việt Nam duy nhất làm việc cũng là người duy nhất không mang quốc tịch Úc trong công ty " - chị tự hào.
Nỗ lực tới cùng
Cuối 2002, chị được cử về Việt Nam lập VPĐD của công ty. Nhưng sau 1 năm, chị lại chuyển qua làm ở một công ty quảng cáo. Tình cờ, một người bạn là luật sư cho biết Tập đoàn càfê Gloria Jean (GJ) của Úc đang tìm đối tác ở Việt Nam. Chị nhận thấy đây chính là cơ hội dành cho mình. Dạo đó, nhiều người can ngăn chị, bởi việc nhập càfê vào một quốc gia xuất khẩu nhiều càfê như Việt Nam là chuyện quá mạo hiểm. Nhưng không có gì ngăn cản được người vốn thích "ngược dòng".
Chị giải thích: "Hạt càfê robusta chiếm 95% ở V iệt Nam, còn GJ sử dụng hạt arabica đem lại những hương vị riêng. Hơn nữa, đối tượng của GJ tập trung là giới trẻ có phong cách sống hiện đại, năng động và sành điệu". Phi Vân tin tưởng, GJ với gần 30 năm tuổi cùng 1.000 cửa hàng trên 30 quốc gia sẽ có một lợi thế lớn tại thị trường Việt Nam.
Cuối năm 2006, hợp đồng nhượng quyền (Franchise) giữa GJ với công ty Vietlifestyle (do Phi Vân lập nên) được thực hiện tại Việt Nam. Cả tháng chị ngồi lỳ trong thư viện khổng lồ của GJ và chọn trong số hơn 400 loại đồ uống của GJ nhằm tìm những đồ uống hợp với giới trẻ Việt Nam. Những khó khăn ban đầu đã nhường bước trước cô gái giàu nghị lực: Ba cửa hàng càfê nhượng quyền GJ đang hoạt động hiệu quả tại TPHCM và Hà Nội.
Không dừng ở đó, công ty lại vừa bán tiếp 3 giấy phép nhượng quyền thứ cấp với trị giá hàng chục ngàn USD. Không dừng lại, chị đang bàn bạc với nhiều đối tác để phát triển hệ thống cửa hàng GJ nhượng quyền lên tới con số hàng chục tại H à Nội , Hải Phòng, Đà Nẵng... Với các nhân viên trẻ tuổi, Phi Vân luôn có một mong muốn "truyền đạt cho các em sự hăng say làm việc", bởi đó cũng chính là bí quyết của chị: Thành công chỉ đến khi ta nỗ lực tới 99%".
Bình luận (0)