xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tỉ phú trồng lan

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

Từ một nông dân làm ăn thất bại, ông Trần Văn Xê đã kiên trì học hỏi và tìm ra cách làm giàu bằng đôi bàn tay cần cù và lòng say mê

Đến xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn - TPHCM, hỏi thăm đường đến vườn lan của ông Trần Văn Xê, một cán bộ xã mau mắn chỉ đường. Tôi men theo con đường mới mở, mà theo lời anh cán bộ nọ, có hơn 400 m2 đất của ông chủ vườn lan hiến tặng. Chẳng mấy chốc, trước mắt tôi đã hiện ra vườn lan bạt ngàn với những bông hoa đủ màu đang khoe sắc.

Duyên nợ cùng lan

Từ vườn lan bước ra là nông dân Trần Văn Xê trong bộ trang phục làm vườn cũ kỹ. Ông cười nói với tôi: “Trồng lan coi vậy chứ cực lắm, bận rộn suốt ngày, hết bón phân lại tưới nước, xịt thuốc. Nhưng bù lại được nhìn những bông hoa khoe sắc là tôi thấy khỏe lại liền. Ngày nào không ra vườn là trong người tôi lại bứt rứt không yên”. Với ông, vườn lan không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm đam mê. Những cành lan đủ màu sắc kia đã đi vào từng bữa cơm, giấc ngủ của ông suốt 5 năm qua.

Để có được vườn lan như hôm nay, gia đình ông đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả. Ông kể: “Trước đây, tôi từng nuôi bò sữa, heo, trồng hoa màu... Nhưng suốt 10 năm làm cật lực, kết quả là... lỗ vốn. Buồn quá, tôi chuyển qua nuôi cá, ba ba. Không ngờ, mấy đợt cá tai tượng, ba ba đều chết hết vì mình không có kiến thức, cũng không có kinh nghiệm”.

Đang lúc túng quẫn, thành phố có quyết định phê duyệt chương trình phát triển hoa lan, cây kiểng, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn với mong muốn thử thời vận một lần nữa xem sao! “Mấy lần tập huấn, tôi được đi tham quan những mô hình trồng lan hiệu quả, trong đó có mô hình của ông Trần Văn Bạch ở quận Bình Tân có thu nhập 700 triệu đồng/ha/năm. Tôi mê quá, về nhà quyết định bắt tay vào trồng lan”- ông nhớ lại.

Năm 2003, với số vốn 20 triệu đồng, vợ chồng ông mua 500 cây lan Mokara về trồng thử nghiệm trên mảnh vườn cạnh nhà. Vợ ông kể lại những ngày đầu đáng nhớ ấy: “Do chưa có kinh nghiệm nên khi thấy lan không phát triển do vi nấm, ông nhà tôi cứ tưởng nó èo uột vì thiếu phân, thiếu nước. Vậy là chỉ lo bón phân tưới nước mà không chú ý đến việc xịt thuốc. Kết quả là một tháng sau, toàn bộ 500 gốc lan đều bị thúi rễ”. Phải mất 3 tháng chăm sóc tận tình, những gốc lan đầu tiên mới phục hồi, ra rễ, đâm cành tươi tốt trở lại.

Một năm sau, những bông hoa đầu tiên hé nở. Không thể nói hết niềm vui của hai vợ chồng ông lúc đó. “Nhưng không ngờ gần đến ngày thu hoạch, hơn 100 cành lan đầu tiên bị kẻ trộm vào cắt sạch. Nhìn những cây lan trơ trọi, vợ chồng tôi muốn khóc” - ông kể mà giọng đượm buồn.

Trước tổn thất ấy, vợ chồng ông bảo nhau không nản lòng, cố gắng làm lại từ đầu. Ngày chăm sóc, đêm thay nhau ngủ canh vườn lan. Một tháng sau, những cây lan tiếp tục cho hoa. “Vụ thu hoạch ấy, tôi bán được hơn 400.000 đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng tôi mừng lắm. Bước đầu như vậy là thành công”.

Sẵn sàng giúp người khác vượt nghèo

Từ thành quả ban đầu, ông quyết tâm nhân rộng diện tích trồng lan ra phần ruộng còn lại. Cuối năm 2004, vợ chồng ông bán hơn 20 con bò sữa thu được 150 triệu đồng để đầu tư trồng thêm 1.000 m2 lan Mokara và Denzo. Đầu năm 2005, ông bán mảnh vườn được 400 triệu đồng, vay thêm 500 triệu đồng cải tạo 2.000 m2 đất, làm rào, mua lan giống. Chỉ một năm sau, vườn lan đã cho thu hoạch hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.

Giờ đây, sau gần 5 năm gắn bó với nghề trồng lan, tài sản của ông có được là 10.000 gốc lan Mokara, 10.000 gốc Denzo và 15.000 cây mô giống trị giá vài tỉ đồng. Ông vui vẻ nói: “Càng làm, càng mê nên tôi quyết định xây dựng phòng nghiên cứu cấy mô để sản xuất lan giống cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, bà con xa gần, ai muốn làm ăn bằng nghề trồng lan, tôi sẵn sàng giúp cây giống, kinh nghiệm”.

Rất nhiều nông dân đã tìm đến với ông để học hỏi kinh nghiệm; nhiều người đã thoát nghèo. Anh Nguyễn Thanh Tùng ở Củ Chi cho biết: “Tôi đã được ông trực tiếp hướng dẫn từ chọn giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhưng quan trọng nhất là tôi đã học ở ông lòng say mê, sự cần cù và quyết tâm đã làm thì làm đến cùng...”. Người con trai duy nhất của ông là Trần Xuân Trí, dù đang theo học tại Trường ĐH KHXH & NV TPHCM nhưng rất giống cha ở chỗ rất mê hoa lan. Anh tâm sự: “Tôi hy vọng sau khi tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế sẽ về phụ ba mẹ phát triển vườn lan và đưa lan của gia đình xuất khẩu sang các nước. Đó cũng chính là mơ ước của ba tôi. Ông luôn mơ ước hoa lan Việt Nam không chỉ quanh quẩn trong vùng mà phải khoe sắc hương ở các nước”.

Ông Trần Văn Xê tâm sự: “Từng tham quan mô hình trồng hoa tại Thái Lan, tôi nhận thấy, ngoài việc trồng hoa, người dân Thái còn có chợ hoa dành cho những nông dân trồng hoa đến trao đổi, mua bán. Tôi mong tại TPHCM có một chợ hoa như thế để người trồng hoa tránh được tình trạng bị ép giá, có được lợi nhuận cao nhất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo