Bạn đang ngồi trên ghế nóng của buổi phỏng vấn, phải đối mặt với những câu hỏi cân não của nhà tuyển dụng (NTD), một câu hỏi như “Sở thích của bạn là gì?”. Trước khi bạn bắt đầu thao thao bất tuyệt về những sở thích của mình, hãy cân nhắc một điều: NTD đang muốn đánh giá xem bạn có thích hợp với vị trí họ đang tuyển dụng hay không. Bằng cách tìm hiểu về những sở thích của bạn, NTD nhìn thấy một bức tranh rõ hơn về con người bạn, sau đó nhận định xem bạn có thể phát triển tốt trong công ty của họ hay không. Trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đưa ra 8 điều NTD có thể xem xét thông qua câu trả lời của ứng viên đối với câu hỏi này.
Có khả năng làm việc nhóm
Phần lớn mọi công việc đều đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm. Bất kỳ hoạt động yêu thích nào của bạn yêu cầu hoạt động theo nhóm, ví dụ chơi thể thao đội nhóm hoặc làm tình nguyện viên cho một tổ chức. Điều này sẽ gây ấn tượng tốt với NTD.
Sở hữu khả năng lãnh đạo
Nếu bạn lãnh đạo một câu lạc bộ đọc sách hoặc một nhóm hoạt động xã hội chẳng hạn, bạn đã có lợi thế. Không phải mọi công việc đều yêu cầu khả năng lãnh đạo, tuy nhiên, nó cũng giúp bạn tạo nên điều khác biệt.
Miệt mài rèn luyện kỹ năng
Nếu bạn kiên trì với một sở thích đặc biệt, ở bất kỳ lĩnh vực nào, từ hội họa, âm nhạc cho đến viết lách, nghiên cứu. Điều này sẽ làm nổi bật lên đức tính kiên trì của bạn. Một điều rất cần thiết trong công việc.
Bạn là một người “toàn năng”
NTD rất hứng thú đối với những ứng viên “toàn năng”. Nếu bạn yêu thích và tham gia tất cả các hoạt động, điều này giúp bạn có thêm nhiều kỹ năng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, đừng liệt kê tất cả. Điều này dễ gây hiểu nhầm rằng bạn là một người không chuyên tâm.
Xác định được mục tiêu
NTD rất thích những ứng viên có mục tiêu rõ ràng, kể cả trong công việc lẫn thú vui cuộc sống. Xác định mục tiêu là điều vô cùng cần thiết trong bất kỳ công việc nào.
Bạn có niềm đam mê
Nếu bạn thật sự cảm thấy hứng thú khi nói về sở thích của mình, đây lại là một điểm cộng trong buổi phỏng vấn của bạn. Đối với NTD, điều này cho thấy đối với công việc, bạn cũng sẽ có một niềm đam mê để hoàn thành nó một cách tốt nhất.
Đam mê chứ không “cuồng”
Nếu bạn ứng tuyển cho vị trí nhân viên kinh doanh của một công ty phần mềm, thật tốt khi bạn có sở thích trong lĩnh vực thời trang. Một vẻ ngoài bắt mắt khiến bạn gây ấn tượng tốt khi gặp khách hàng. Nhưng nếu bạn tốn quá nhiều thời gian và công sức vào việc làm thế nào để bắt kịp mọi xu hướng thời trang, bạn đã tự đánh mất cơ hội của mình. Việc bạn quá “cuồng” đối với một sở thích bên ngoài công việc khiến NTD cảm thấy điều này còn quan trọng hơn cả công việc.
Cần có thú vui khác cạnh công việc
Nếu câu trả lời của bạn là “Tôi không có sở thích gì đặc biệt ngoài việc đi làm ở công sở”. Điều này cho thấy bạn là một người nghiện công việc. Không một NTD nào muốn cảm thấy bạn dành toàn bộ thời gian chỉ để làm việc, nhận lương và… chỉ có thế.
Tránh xa một vài sở thích
Tuy nhiên, không phải sở thích nào bạn cũng nên đưa vào câu trả lời. Ví dụ như việc nhậu nhẹt, rượu bia cho dù đó có thể là sở thích thật của bạn. Một điều tối kỵ nữa là mạng xã hội. Đối với NTD, mạng xã hội không phải là sở thích mà là những điều khiến bạn sao nhãng trong công việc.
Bình luận (0)