Lao động VN được đánh giá cao
VN chính thức đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS kể từ giữa tháng 8-2004. Tính đến ngày 19-9-2007, có 22.164 lao động được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Trong đó, tính riêng từ đầu năm đến nay có 7.118 lao động. Hiện hơn 5.000 hồ sơ dự tuyển của người lao động đã được chuyển cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn và dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 10.000-12.000 người xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Với kết quả này, lao động VN được đưa sang làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS hằng năm cao gấp 3 – 4 lần so với chương trình tu nghiệp sinh trước đây (bị dừng kể từ năm 2007).
Việc duy trì và tăng số lượng lao động sang Hàn Quốc đã đưa VN trở thành quốc gia đứng đầu về hợp tác lao động ở Hàn Quốc ở chương trình mới này. Cụ thể, tính đến thời điểm 31-8-2007, VN có 21.408 lao động được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc, cao hơn Philippines xếp thứ hai với 18.404 lao động. Ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, nguyên Trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Hàn Quốc, cho biết việc đánh giá này dựa trên nhiều tiêu chí liên quan đến hiệu quả hợp tác thực thi chương trình giữa cơ quan cấp bộ và cơ quan thẩm quyền của hai nước trong tổ chức tuyển chọn, kiểm tra năng lực tiếng Hàn, nâng cao tay nghề, giáo dục nhận thức, hiểu biết pháp luật và quản lý lao động. Nhưng quan trọng nhất là mức độ hài lòng và kết quả chấp nhận của chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Thực tế thì đa số chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao lao động VN về chất lượng làm việc, khả năng hòa nhập, tính cần cù chịu khó. Kết quả là trong số 32.558 lao động được ký kết hợp đồng, có 21.408 lao động được tuyển dụng sang làm việc, trong khi Thái Lan (xếp thứ ba) có tới 42.854 lao động được ký kết hợp đồng, nhưng chỉ có 16.059 lao động được tuyển dụng.
Lao động VN của chương trình EPS đang làm thủ tục nhập cảnh hàn Quốc. Ảnh: DUY QUỐC |
Sẽ tăng chỉ tiêu sang Hàn Quốc
Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, phần lớn lao động VN sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS đều có việc làm ổn định, thu nhập và các chế độ phúc lợi được bảo đảm. Theo quy định, người lao động được hưởng lương cơ bản 3.480 won/giờ, 786.480 won/tháng. Tính ra, nếu làm thêm, thu nhập mỗi người bình quân đạt khoảng 900 – 1.000 USD/tháng; đa số có thu nhập từ 1.000 USD/tháng trở lên. |
Trung tâm Lao động ngoài nước cho rằng việc được xếp đầu về kết quả thực hiện chương trình EPS sẽ rất quan trọng để VN có cơ hội tăng số lượng vào thị trường này, bởi đây sẽ là cơ sở để Chính phủ Hàn Quốc xem xét tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động. Ông Đào Công Hải cho biết thêm, hiện nay có 10 quốc gia hợp tác thực hiện chương trình EPS với Hàn Quốc (gồm VN, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Mông Cổ, Uzebekistan, Pakistan, Sri Lanka, Trung Quốc, Campuchia), nhưng kể từ năm 2008 sẽ có thêm 5 quốc gia nữa. Do vậy, nếu phân bổ chỉ tiêu cho 15 quốc gia, chắc chắn chỉ tiêu cấp cho VN trong năm này sẽ giảm. Tuy nhiên, đó chỉ là chỉ tiêu “phần cứng”. Còn kết quả lao động được đưa sang nhiều hay ít phụ thuộc chủ yếu vào mức độ hài lòng của chủ sử dụng lao động mà như nói trên, đây lại là lợi thế của lao động VN.
Cũng theo ông Hải, với chính sách mới cho phép lao động nước ngoài hoàn thành hợp đồng được tái nhập cảnh Hàn Quốc, đã hạn chế rất nhiều lao động VN bỏ trốn ở chương trình này. Nhờ chính sách này, số lao động VN bỏ trốn ở chương trình EPS thấp hơn nhiều lần chương trình tu nghiệp sinh trước đây, chiếm dưới 1% với gần 200 trường hợp vi phạm. Việc hạn chế được tỉ lệ lao động bỏ trốn cũng là yếu tố giúp VN được đánh giá cao về hợp tác chương trình EPS với Hàn Quốc.
Kết quả chương trình EPS (*)
Hạng |
Quốc gia |
Số ký hợp đồng |
Số xuất cảnh |
1 | Việt Nam | 32.558 | 21.408 |
2 | Philippines | 27.688 | 18.404 |
3 | Thái Lan | 42.854 | 16.059 |
4 | Indonesia | 27.675 | 8.067 |
5 | Sri Lanka | 13.687 | 6.584 |
6 | Mông Cổ | 23.389 | 10.880 |
7 | Campuchia | 1.709 | 2 |
(Ba quốc gia còn lại gồm Trung Quốc, Pakistan, Uzebekistan có số lượng lao động được ký hợp đồng và xuất cảnh không đáng kể)
Bình luận (0)