Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác của ngành kiểm sát trong 6 tháng (từ 1-10-2023 đến 31-3-2024).
Theo báo cáo, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiếp nhận 1.988 thông tin về tội phạm, tăng hơn 26%; đã xử lý, giải quyết 1.866 thông tin, đạt tỉ lệ gần 94%, tăng gần 2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng thụ lý 115 nguồn tin về tội phạm, đã giải quyết 81 nguồn tin, đạt tỉ lệ hơn 70%. Trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm.
Báo cáo của Viện trưởng Lê Minh Trí dẫn chứng bốn vụ án điển hình, như vụ Nguyễn Thị Tuyết Sương, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long phạm tội nhận hối lộ; vụ Văn Đức Đoàn, Cán bộ điều tra Công an quận Kiến An, TP Hải Phòng phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vụ Nguyễn Văn Bi, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang phạm tội tham ô tài sản; quá trình thực hiện nhiệm vụ đã thu tiền của người phải thi hành án nhưng chiếm đoạt 608 triệu đồng để sử dụng cá nhân... Vụ Lưu Đình Bảo phạm tội môi giới hối lộ xảy ra tại Công an thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên)…
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng đã thụ lý điều tra 64 vụ/123 bị can, tăng hơn 39% về số vụ và tăng 68,5% về số bị can. Trong số này, có 46 vụ/89 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, chiếm gần 72%; đã xử lý, giải quyết 35 vụ/74 bị can…
Viện trưởng Lê Minh Trí đánh giá công tác điều tra tội phạm của VKSND Tối cao đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 89%, vượt hơn 19%.
Đáng chú ý, tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%, vượt 10%; đã thu hồi hơn 7,5 tỉ đồng, đạt 88%.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đã chủ động rà soát, phục hồi và giải quyết nguồn tin, án tạm đình chỉ tồn đọng của những năm trước. Hoạt động điều tra đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan, sai và đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao cũng nêu rõ qua hoạt động kiểm sát điều tra cho thấy cơ quan điều tra các cấp và cơ sở giam giữ còn để xảy ra những vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Những vi phạm điển hình như không thụ lý giải quyết hoặc thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền một số tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, vi phạm thời hạn điều tra hay vi phạm pháp luật trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng...
Báo cáo cho rằng việc còn để xảy ra người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết do tự sát, cất giấu, sử dụng vật cấm tại nơi giam, giữ trong đó có sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ… Trong 6 tháng, cơ quan điều tra của viện đã thụ lý, điều tra 33 vụ/71 bị can nguyên là công chức ngành công an để xử lý.
Cụ thể, về các tội nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc. Trong số này có 26 bị can bị truy tố trong 10 vụ án về tội nhận hối lộ.
Ngành đã phát hiện một số vi phạm, thiếu sót của công chức, kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, đã khởi tố điều tra 3 vụ với 6 bị can là công chức ngành kiểm sát về nhận hối lộ.
Trong hoạt động xét xử, phát hiện một số tòa án còn để xảy ra những vi phạm pháp luật, như vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa, gửi, tống đạt bản án, quyết định của tòa án; nhiều bản án, quyết định có vi phạm, sai sót…
Đã thụ lý, điều tra 6 vụ với 6 bị can là công chức ngành tòa án về các tội nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc. Đáng chú ý, trong số này có 4 vụ với 4 bị can nhận hối lộ.
Cơ quan điều tra của viện thụ lý, điều tra 11 vụ với 11 bị can là công chức cơ quan thi hành án dân sự về các tội tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản... Trong đó, có 3 vụ, 3 bị can phạm tội tham ô tài sản.
Bình luận (0)