Đây là sự kiện trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam kết hợp đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào của Thủ tướng Sonexay Siphandon.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 11 tháng 2023, Việt Nam có 7 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký hơn 114 triệu USD (tăng 71,7% so với cùng kỳ). Cũng trong 11 tháng, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỉ USD.
Đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt gần 5,5 tỉ USD, duy trì vị trí thứ nhất trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào.
Dự án của doanh nghiệp Việt Nam bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Lào trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm.
Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjane Vongphosy đánh giá cao hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn đóng góp quan trọng cho kinh tế- xã hội Lào, với phần lớn các khoản đầu tư là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho rằng thời gian tới, Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm tạo bước ngoặt mới, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác mới, cụ thể hoá và thực hiện hiệu quả thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam-Lào, để quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Lào đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư; xây dựng các quy hoạch, trong đó có quy hoạch 12 khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn quốc; đang yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách sách khuyến khích đầu tư phù hợp từng giai đoạn; đồng thời tiếp tục lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Lào mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm hiểu, đầu tư vào Lào trong các lĩnh vực mà Lào có thế mạnh, như nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, khoáng sản, năng lượng sạch…
Hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Lào là nhu cầu khách quan, ý nghĩa chiến lược
Đánh giá cao kết quả hợp tác thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới cần có đột phá. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu.
Cùng với đó, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai bên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như: Công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...
Lào có nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chế biến, đặc biệt Việt Nam có thị trường rộng lớn với hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, có thể giúp hàng hóa của Lào tiếp cận.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên phối hợp, giải quyết các dự án tồn đọng, vấn đề còn vướng mắc; ưu tiên, thúc đẩy đầu tư. Chính phủ mỗi nước tiếp tục xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi; tăng cường đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đặc biệt, có chính sách ưu tiên phù hợp cho danh nghiệp hai nước.
Hai Thủ tướng cùng chứng kiến lễ trao các chứng nhận đầu tư, ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Lào trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản.
Bình luận (0)