FIFA vừa làm người hâm mộ bóng đá nữ nức lòng bằng việc thông qua đề xuất cho phép tăng số đội tuyển góp mặt vòng chung kết World Cup nữ từ năm 2031.
Nhiều thành viên hưởng lợi
So với lịch sử sân chơi dành cho phái mạnh đã có từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, World Cup nữ mới ra đời hơn 30 năm, kể từ lần đầu trình làng vào năm 1991. Theo dòng chảy lịch sử, bóng đá nữ đã có những bước tiến mạnh mẽ không kém gì so với giải đấu của các nam đồng nghiệp.
Nếu World Cup 2015 chứng kiến sự thay đổi mang tính cơ bản với số lượng đội bóng tham dự vòng chung kết tăng từ 16 lên 24 đội thì 8 năm sau, giải đấu World Cup 2023 được đồng tổ chức tại 2 quốc gia Úc - New Zealand đã có sự góp mặt của 32 đội (tuyển nữ Việt Nam lần đầu giành quyền góp mặt).
Cuộc cách mạng bóng đá nữ vẫn chưa dừng ở đó. Tại phiên họp đại hội đồng hôm 9-5, FIFA chính thức chấp thuận đề xuất mở rộng World Cup nữ, cho phép 48 đội bóng được tham dự vòng chung kết kể từ năm 2031.
Mỹ dự kiến sẽ được trao quyền đăng cai World Cup 2031 và quốc gia có phong trào bóng đá nữ hàng đầu thế giới này sẽ là chứng nhân cho 2 cột mốc lịch sử: World Cup 1999 có sự tham gia của 16 đội, tăng thêm 4 đội so với 2 kỳ tổ chức đầu tiên; và World Cup 2031 tăng "kịch trần" với 48 đội tham dự.
Trong thông báo chính thức về quyết định của FIFA, Chủ tịch Gianni Infantino khẳng định: "Đây không chỉ là việc có thêm 16 đội tham dự World Cup mà bóng đá nữ thế giới còn đang ráo riết thực hiện các bước tiếp theo liên quan đến tiến trình phát triển. Nhiều hiệp hội thành viên của FIFA có cơ hội hưởng lợi từ giải đấu để phát triển cơ cấu bóng đá nữ quốc gia mình một cách toàn diện".

Tuyển nữ Việt Nam trong trận thua Mỹ 0-3 ở lượt đầu tiên của World Cup 2023. (Ảnh: AP)
Thiết lập tiêu chuẩn mới cho bóng đá nữ
Chắc chắn có thêm nhiều kinh nghiệm sau khi cùng với Canada và Mexico đồng tổ chức World Cup nam 2026, Mỹ không phải lo lắng nhiều về cơ sở vật chất thi đấu dành cho nữ 5 năm sau.
Với 48 đội góp mặt, World Cup 2031 sẽ chia 12 bảng, tăng tổng số trận đấu từ 64 lên 104 trận - tương tự World Cup nam 2026 và giải đấu sẽ kéo dài thêm một tuần. Không phải không có những lo lắng ban đầu, như lịch thi đấu dày hơn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cầu thủ, hay một khi giải mở rộng lên 48 đội sẽ có các trận đấu "một chiều" bởi sự chênh lệch đẳng cấp.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy tại World Cup nữ 2023, đại diện của mọi liên đoàn châu lục đều giành chiến thắng ít nhất một trận và các đội từ 5 liên đoàn lọt vào vòng loại trực tiếp, cùng với nhiều kỷ lục khác, đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho sự phát triển bóng đá nữ trên bình diện toàn cầu.
Với số lượng đội tham dự tăng lên 48, khu vực châu Á sẽ có 8 suất tham dự vòng chung kết. Ở các khu vực còn lại, số lượng vé cũng được tăng lên đáng kể, giúp gia tăng cơ hội cho những đội tuyển không thuộc nhóm mạnh nhất truyền thống xưa nay.
Bóng đá Việt Nam cần làm gì?
Bóng đá nam Việt Nam từng hy vọng "vượt vũ môn" khi World Cup 2026 được mở rộng lên 48 đội nhưng giấc mơ chưa thành. Hành trình ra biển lớn của bóng đá nữ Việt Nam có phần suôn sẻ hơn, khi lần đầu giành quyền tham dự World Cup 2023. Nếu châu Á được trao tới 8 suất tham dự World Cup nữ 2031, tuyển nữ càng nhen nhóm hy vọng. Đội hiện xếp hạng 37 thế giới và hạng 6 châu Á, dựa trên bảng xếp hạng FIFA mới nhất tháng 3-2025.
Công bằng mà nói, nếu CHDCND Triều Tiên không bất ngờ vắng mặt tại vòng loại World Cup 2023, cơ hội chắc chắn không thể đến với tuyển Việt Nam. Đó là chưa kể, đoàn quân của HLV Mai Đức Chung thua cả 3 trận tại vòng chung kết ở Úc - New Zealand dù thi đấu đầy cố gắng.
Thực tế trên cho thấy bóng đá nữ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn thường xuyên góp mặt tại vòng chung kết World Cup. Nâng tầm giải bóng đá quốc gia chính là việc làm căn cơ nhất, bắt đầu từ việc gia tăng số lượng đội bóng thay vì chỉ 6 địa phương tham dự như hiện nay. Thu hút tài trợ, thuê ngoại binh để cải thiện chất lượng giải cũng là điều cần làm bên cạnh việc kêu gọi các cầu thủ Việt kiều, cầu thủ nhập tịch đóng góp cho đội tuyển.
Tuyển nữ TP HCM là điểm sáng trên mọi phương diện, từ thuê ngoại binh, cầu thủ nhập tịch về thi đấu cho đến tranh đua mạnh mẽ thành tích tại đấu trường châu Á.
Không chỉ TP HCM, những "chị đại" như Hà Nội, Thái Nguyên T&T cũng đã sẵn sàng chờ "bật đèn xanh" cho một cuộc chuyển mình, đưa bóng đá nữ Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới.
Bình luận (0)