Ngày 8-3, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế Ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam 2024 - VIPO 2024, tại Hà Nội.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, hồ tiêu và cây gia vị đã góp phần không nhỏ vào GDP quốc gia, cải thiện sinh kế nông hộ và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu quế Việt Nam cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, đánh giá trong giỏ hàng gia vị thế giới, hạt tiêu chiếm tỉ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu được đẩy mạnh chế biến trong dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Quy mô thị trường hồ tiêu được định giá 5,43 tỉ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032.
Dự báo nhu cầu hạt tiêu, đặc biệt với sản phẩm cao cấp từ thị trường thế giới, ngày càng tăng. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao. Do vậy, ông Tài khuyến nghị: Nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh nâng cao chất lượng, áp dụng biện pháp chế biến sâu.
Ngành hồ tiêu Việt chiếm 40% sản lượng, 60% thị phần thế giới. Dù vậy, trong bối cảnh thế giới hiện nay, ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động thị trường, bất ổn chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng.
Thị trường Mỹ, EU, Trung Đông… gia tăng nhu cầu về sản phẩm đáp ứng tính bền vững. "Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nước xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị như Việt Nam"- ông Tài nhấn mạnh.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cũng cho rằng nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng hiện có. Sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún đã hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư khá lớn khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, trong khi đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Do đó, làm thế nào để thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như nhiều doanh nghiệp lớn đã làm trong thời gian gần đây luôn là thách thức không nhỏ"- ông Đạt đặt vấn đề. Đây cũng là thách thức với ngành hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. Theo đó, xây dựng được chuỗi cung ứng lành mạnh và bền vững là nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn tới.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, cũng nhấn mạnh tính bền vững và toàn diện là hai trụ cột của ngành hồ tiêu trong giai đoạn tới. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc đào tạo, tập huấn cho người nông dân sản xuất bền vững, đào tạo để nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất.
"Tính bền vững và tính toàn diện không thể đạt được trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự cam kết lâu dài, cam kết tạo ra tương lai bền vững. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đạt được tính bền vững và toàn vẹn"- bà Liên kỳ vọng.
Bình luận (0)