Chủ nhân giải thưởng L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023 tâm sự lựa chọn của chị luôn là Việt Nam. "Mỗi người có một con đường nhưng hướng đi của tôi là mang những gì đã học được trở về phục vụ đất nước" - PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài khẳng định.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm - Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) thừa nhận chị đam mê sinh học từ nhỏ. Sự kỳ diệu trong suy nghĩ của con người đã không ngừng cuốn hút chị. TS Thu Hoài bày tỏ: "Tôi muốn đi tìm câu trả lời tại sao con người suy nghĩ, tính toán được mà sinh vật khác lại không".
Nhà khoa học sinh năm 1981 cho hay từ bé chị đã mơ làm bác sĩ ngoại thần kinh dù gia đình không ai theo ngành y. Lên cấp 3, chị chọn lớp chuyên sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương.
Năm lớp 11, Thu Hoài đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Năm sau, chị nhận giải nhì quốc gia và là 1 trong 4 học sinh dự thi Olympic sinh học quốc tế tại Thụy Điển. Với bằng khen của ban tổ chức kỳ thi đầy cạnh tranh này, chị được tuyển thẳng vào chương trình cử nhân khoa học tài năng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội.
"Tôi từng mơ làm bác sĩ ngoại thần kinh nhưng khi học đại học thì lại bị miễn dịch học mê hoặc" - Thu Hoài thổ lộ - "Tôi chọn hóa sinh vì chuyên ngành này có tính ứng dụng cao, hơn nữa là do yêu thích môn miễn dịch học".
Tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội, Thu Hoài sang Đức học tiến sĩ tại Khoa Y - ĐH Greifswald. Năm năm sau, với đề tài "Đáp ứng kháng thể với sự gây nhiễm nhân tạo tụ cầu vàng", chị nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 27.
Thu Hoài thừa nhận con đường nghiên cứu khoa học của chị gặp không ít may mắn và thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội làm việc ở các nước phát triển. Tuy nhiên, chị khẳng định chưa bao giờ có ý nghĩ ở lại Đức hay bất kỳ quốc gia nào khác mà luôn muốn quay về Việt Nam làm việc và cống hiến.
Từ Đức về, Thu Hoài quay lại phòng thí nghiệm y sinh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Sau đó, chị tới Viện Sức khỏe Đài Loan - Trung Quốc học hỏi một thời gian rồi đến Bỉ 2 năm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.
Năm 2011, Thu Hoài quyết định dừng chân ở Khoa Công nghệ sinh học - Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM). Hiện chị là trưởng nhóm nghiên cứu vi sinh y học của khoa. Hướng nghiên cứu của chị là về cơ chế kháng thuốc, độc lực vi khuẩn; hợp chất kháng khuẩn; ung thư và hệ miễn dịch.
Thu Hoài nhớ lại: "Lúc đầu, tôi chỉ định vào TP HCM một thời gian cho biết nhưng rồi thấy rất thích vì thời tiết dễ chịu, con người cởi mở. Ở đó, tôi có đồng nghiệp giỏi giang, thân thiện; có môi trường làm việc tuyệt vời và lương tốt, dù điều kiện nghiên cứu chưa được thuận lợi do khó khăn chung".
Theo Thu Hoài, trong điều kiện hiện nay, muốn nghiên cứu đỉnh cao cũng không dễ vì còn thiếu công nghệ. Đến giờ, chị vẫn chưa có phòng thí nghiệm riêng, phải sử dụng phòng thí nghiệm chung. Chị cho biết: "Tôi phải khắc phục bằng cách nhờ vả, đi nước ngoài làm thí nghiệm. Mỗi năm, tôi sống vài tuần ở nước ngoài để thực hiện các nghiên cứu của mình. Rất may là nhà trường tạo điều kiện, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều".
Nghiên cứu khoa học vốn là công việc đầy khó khăn. Với những phụ nữ làm khoa học thì ngoài những khó khăn ấy, đời sống cá nhân và gia đình cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài thừa nhận do chuyên tâm với công việc nghiên cứu, thiếu sự va chạm xã hội cần thiết nên nhiều khi chị gặp không ít bỡ ngỡ. Tuy vậy, nhờ trải qua nhiều thử thách nên chị ngày càng vững vàng.
"Tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình. Theo nghiệp khoa học mà không làm thêm giờ, không đi đây đó học hỏi liên tục thì khó thể hoàn thành công việc và dễ bị tụt hậu. May mắn là chồng tôi luôn ủng hộ vợ làm thêm giờ hay đi công tác xa. Các con cũng dần trưởng thành, tự lập nên tôi có thời gian cho công việc nhiều hơn. Dù sao thì bản năng một người vợ, người mẹ vẫn hướng tới chồng con. Lúc nào tôi cũng muốn tăng hiệu suất công việc cao nhất có thể để có nhiều thời gian hơn cho gia đình" - chị bộc bạch.
15 năm theo đuổi nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài vừa được trao giải thưởng L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023.
Nghiên cứu của Thu Hoài thời gian qua hướng đến việc phát triển những xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gien kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho y - bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề y tế nghiêm trọng. Nếu không có sự can thiệp hiệu quả thì ước tính đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm.
Theo Thu Hoài, một trong những giải pháp giúp kéo giảm kháng kháng sinh là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời, chính xác tình trạng này để hỗ trợ việc đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Ngoài ra, cần có biện pháp cách ly, giảm lây lan các chủng đa kháng, toàn kháng.
Nghiên cứu đoạt giải thưởng L'Oréal - UNESCO của Thu Hoài là "Phát triển quy trình phát hiện gien kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa (P.a) trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số". P.a là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng. Trong một số báo cáo, nó là nguyên nhân số 1 gây ra viêm phổi và suy hô hấp.
P.a còn là 1 trong 6 nhóm/loài trong danh sách ESKAPE của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc. Khả năng này đến từ nhiều gien khác nhau, trong đó một số có tính quyết định nổi trội tới việc kháng những loại thuốc quan trọng trong điều trị.
Nghiên cứu của Thu Hoài áp dụng PCR giọt kỹ thuật số, là công nghệ khuếch đại axít nucleic mới được phát triển. Đây là công nghệ có độ nhạy, chính xác, tái lập cao; có khả năng định lượng ngay cả ở nồng độ rất thấp và hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Vì là công nghệ mới, do chưa có kinh phí mua máy móc nên chị dùng nguồn lực đối tác để thực hiện nghiên cứu.
Quy trình và phương thức chẩn đoán kháng thuốc đã được Thu Hoài nghiên cứu từ khi sang Trường ĐH Công giáo Louvain - Bỉ học hỏi năm 2010. Sau này, chị tiếp tục nghiên cứu về cơ chế kháng thuốc tại Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ vào năm 2020. Mỗi năm, chị đều cố gắng dành thời gian tìm tòi, học hỏi tại các nước phát triển để hoàn thiện nghiên cứu và bắt kịp công nghệ.
Đề cập về hướng nghiên cứu trong tương lai, Thu Hoài kỳ vọng ngoài việc ứng dụng, chị còn có thể phối hợp với các đối tác để cải tiến, thậm chí xây dựng được công nghệ mới. "Kế hoạch ngắn hạn là tiếp tục những nghiên cứu cơ bản như tôi vẫn làm, đồng thời tiến hành song song các nghiên cứu ứng dụng. Bởi lẽ, ứng dụng được kết quả khoa học vào cuộc sống chính là đích tới của mọi nhà khoa học" - chị nhấn mạnh.
Bình luận (0)