Ngày 23-7, Hội thảo Finhub2025 với chủ đề "Trung tâm tài chính quốc tế – Động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam", do Trường Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức, đã thu hút nhiều chuyên gia tham dự. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị chính sách để thu hút dòng vốn ngoại thông qua việc phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam.
IFC: Kênh huy động vốn hiệu quả ngoài hệ thống ngân hàng
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, việc xây dựng IFC cần hướng đến thu hút nhà đầu tư và dòng vốn từ các quốc gia có thị trường tài chính phát triển mạnh. Ông cho rằng hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, vì vậy việc phát triển IFC sẽ mở ra kênh huy động vốn mới với chi phí hợp lý hơn.
"Thay vì cố gắng trở thành một IFC tầm khu vực, Việt Nam nên đặt mục tiêu thiết thực hơn là trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn quốc tế. Để các 'đại bàng' quốc tế chọn Việt Nam làm tổ, yếu tố then chốt là lợi ích song phương – khi họ có lợi, họ sẽ đầu tư" - ông Trung nhấn mạnh.

Việt Nam sẽ đặt trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng
Tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính – Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết IFC của Việt Nam sẽ được đặt tại TP HCM và Đà Nẵng với kỳ vọng sớm có hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút dòng vốn nước ngoài.
Theo báo cáo của Tập đoàn Z/Yen (Anh), các trung tâm tài chính được chia thành 3 nhóm: trung tâm tài chính toàn cầu, trung tâm tài chính quốc tế (IFC) và trung tâm tài chính khu vực. TP HCM hiện mới được xếp vào nhóm trung tâm tài chính khu vực.
Tuy nhiên, nếu phát triển tài chính quá nhanh mà thiếu kiểm soát sẽ dễ tạo ra bong bóng tài sản, rủi ro hệ thống và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần phát triển IFC một cách thận trọng, học hỏi kinh nghiệm từ Seoul, Dubai – những trung tâm tài chính đã vươn hạng mạnh trong bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI).
Chính sách ưu đãi và môi trường pháp lý: Yếu tố giữ chân nhà đầu tư
ThS Nguyễn Trúc Vân, Viện Kinh tế TP HCM, cho rằng TP HCM nên chọn đột phá bằng Fintech và ngân hàng số, đồng thời kết nối Fintech với các start-up ở lĩnh vực khác. Thành phố cũng nên tập trung vào tài chính xanh, với các cơ chế và sản phẩm tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Song song đó, TP HCM cần sớm hình thành Sở giao dịch hàng hóa, gắn với thị trường nông sản Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và nguyên liệu công nghiệp Đông Nam Bộ, hướng đến kết nối với các nhà đầu tư và sàn giao dịch hàng hóa toàn cầu.
Ông Phạm Lê Nhật Quang, Giám đốc điều hành ABB Private Equity, chia sẻ rằng ông đắn đo giữa việc đặt trụ sở tại Việt Nam hay Singapore chính là vì mức độ ưu đãi và sự minh bạch pháp lý.
"Rất nhiều công ty Fintech đã chọn đặt trụ sở ở Singapore hoặc Dubai vì môi trường pháp lý thuận lợi. Nếu muốn mời gọi nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cần học hỏi mô hình thành công, đồng thời xóa bỏ những chính sách gây cản trở cho người nước ngoài làm việc và đầu tư" - ông Quang nhấn mạnh.
Bình luận (0)