Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines được tổ chức ngày 16-12 tại Hà Nội.
Tại đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023; Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của Công ty, kết quả hoạt động của HĐQT, Tổng giám đốc; Báo cáo tiền lương và thù lao của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thực hiện năm 2022...
Theo báo cáo tại đại hội, đến cuối năm 2022, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa so với thời điểm trước dịch và khai thác trở lại hơn 70% số đường bay quốc tế; các chỉ tiêu sản lượng vận chuyển đều vượt 7% - 8% so kế hoạch năm.
Kết thúc năm 2022, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 44 đường bay đến 25 điểm thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vietnam Airlines cũng thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm. Tổng chi phí cắt giảm trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỉ đồng. Trong đó, chi phí cắt giảm được nhờ các giải pháp tự thân như nỗ lực đàm phán giảm giá, tiết kiệm… đạt khoảng 4.294 tỉ đồng.
Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 71.775 tỉ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,4 lần kết quả năm 2021. Số lỗ hợp nhất đã giảm so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Cụ thể, Tổng doanh thu công ty mẹ năm 2022 là 50.214 tỉ đồng. Doanh thu hợp nhất là 71.775 tỉ đồng, số lỗ trước thuế của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là -8.841 tỉ đồng và -10.945 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ và hợp nhất tại thời điểm 31-12-2022 ước tính lần lượt là -3.579 tỉ đồng và -11.056 tỉ đồng.
Vietnam Airlines thực hiện vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu khách ; khách nội địa đạt 15,77 triệu khách, vượt 9% so kế hoạch và tăng 14,2% so với năm 2019.
Năm 2022, Vietnam Airlines cũng đạt được 16 giải thưởng lớn trong nước và quốc tế như: Giải thưởng World Travel Award (Global): Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa; Giải thưởng World Travel Award (Asia): Hãng hàng không hàng đầu châu Á về hạng ghế Phổ thông và Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á...
Bước sang năm 2023, sau khi hàng loạt các quốc gia mở cửa hoàn toàn, các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ đến các nước được nối lại đã giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, cân đối được dòng tiền trong ngắn hạn.
Trong nửa đầu năm 2023, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại trong quý 2; hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch; các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao. Trong nửa sau năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu tăng cao, tỉ giá USD diễn biến bất lợi và khó lường.
Phát biểu tại Đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: "Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024."
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài chính, tái cấu trúc tài sản, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, bám sát chiến lược chuyển đổi số Vietnam Airlines giai đoạn 2022-2026. Theo đó, tiếp tục mục tiêu trở thành hãng hàng không số, tạo nền tảng để Vietnam Airlines tiếp tục phát triển hiệu quả và bền vững.
Bình luận (0)