Khi tôi sắp chuyển việc thì nhận được tin nhắn ra gặp ông. Lúc đó, ông giữ trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông khuyên tôi từ chối chỗ làm mới để về công tác ở Sở Văn hóa Hà Nội.
Khi tôi phân vân: "Em chưa làm văn hóa bao giờ, sợ không làm được" thì ông cười: "Cứ làm rồi biết. Có ai dạy anh làm bí thư đâu. Cái chính là tập trung cho công việc, vừa làm vừa học...". Chỉ mấy câu động viên thế thôi nhưng tôi nhớ mãi và tự dặn lòng không thể để Bí thư Thành ủy thất vọng.
Mùng 3 Tết năm ấy, ông đến chúc Tết gia đình tôi. Thăm hỏi, trò chuyện một lát, ông ân cần: "Tết, đến thăm cô chú. Vất vả hơn ở trường thì cũng đừng trách anh nhé! Ăn cam nhà chú ngọt thế chắc việc chú cũng xuôi chèo mát mái thôi".
Tôi nghe những đồng môn Khoa Ngữ văn kể lại khi ông giữ chức Chủ tịch Quốc hội, lúc họp lớp, có người nhắc: "Giờ giữ cương vị như thế, ông cần quyết liệt hơn. Ông tốt nhưng hiền quá! Phải dùng quyền hạn của mình để ngăn chặn cái xấu...". Ông nhỏ nhẹ: "Các bạn nghĩ vậy à? Mình sẽ cố gắng".
Tôi có đôi lần được tham gia đoàn công tác cùng ông. Ông không muốn đoàn có xe cảnh sát dẫn đường rú còi. Ông bảo bật đèn để người đi đường dễ nhận ra có xe khác là đủ; còn rú còi khiến người ta giật mình là không nên. Ông còn nói: "Anh em địa phương quý thì mới mời mình ăn uống, nhưng như thế vất vả cho họ lắm. Đừng lãng phí". Ông lo cả đến chuyện nhỏ, mà lo thật lòng chứ không màu mè, làm dáng.
Có lần, ông dặn chúng tôi: "Làm văn hóa khó lắm vì có phải ai cũng hiểu đúng đâu. Nhiều cái hình thức mà cứ tưởng đấy mới là cái mình cần phấn đấu là nguy hiểm lắm. Đừng làm theo kiểu phong trào".
Khi ông tuyên bố cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, "ai không làm thì đứng sang một bên", tôi vừa hy vọng vừa băn khoăn. Ông nói ít nhưng cứ lẳng lặng đưa hết "sâu chúa" này đến "sâu chúa" khác vào lò. Không phải là "một mình chống lại mafia" nhưng ông đã vật ngã bao kẻ tham nhũng.
Vĩnh biệt ông, một con người đáng kính!
Bình luận (0)