Theo VinSpeed, đây là hành động cụ thể hưởng ứng Nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỉ đồng (tương đương 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng. Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 ngàn tỉ đồng (khoảng 12,27 tỉ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
So với phương án đã được Quốc hội phê duyệt, đề xuất của VinSpeed sẽ giảm tải đáng kể áp lực cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh đa số các dự án đường sắt cao tốc trên thế giới đều chậm hoặc không thể hoàn vốn và bù lỗ kéo dài.
VinSpeed mong muốn sẽ nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án trước tháng 12-2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12-2030. Hiện VinSpeed đang thỏa thuận với đối tác đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam. Công ty cũng sẽ nhanh chóng tổ chức đào tạo nhân sự, làm chủ công nghệ nhằm tạo sự chủ động trong việc phát triển công nghiệp đường sắt cho quốc gia.
VinSpeed cho biết để bảo đảm một phần nguồn thu hoàn trả cho Nhà nước, công ty sẽ hợp tác với Vingroup và Vinhomes đề xuất phát triển các đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích tại các vị trí phụ cận với các ga đường sắt theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). VinSpeed kỳ vọng các khu vực phụ cận nhà ga đường sắt khi được hệ sinh thái Vingroup đầu tư, chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng, nâng cao tiêu chuẩn sống, thúc đẩy du lịch và tạo động lực phát triển kinh tế cho các địa phương.
Bà Đào Thụy Vân, Phó Tổng Giám đốc VinSpeed, chia sẻ: "Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức, quyết liệt sáng tạo và hành động để phát triển dự án. Chúng tôi tin rằng bằng sự linh hoạt và kinh nghiệm thương trường, VinSpeed sẽ tạo ra nguồn thu, bù đắp chi phí đầu tư, góp phần hoàn trả đúng hạn các khoản vay. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp trong nước để có thể triển khai phát triển, xây dựng đồng thời toàn tuyến và cùng nhau phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc của Việt Nam, góp phần mang lại niềm tự hào cho người dân Việt".
VinSpeed hiện có vốn điều lệ 6.000 tỉ đồng là mũi nhọn tiếp theo trong hệ sinh thái do tỉ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập.
Bình luận (0)