Những thói quen bị ngừng lại
Anh Nguyễn Thế Hoàng (25 tuổi, kỹ sư công nghệ, Hà Nội) thường cùng đồng nghiệp đi uống trà đá sau giờ ăn trưa. Là khách quen nên anh thường nhắn chủ quán ghi sổ, dăm bữa nửa tháng chuyển khoản trả một lần.
Lý giải về việc này, anh Hoàng cho biết có thói quen không dùng tiền mặt từ lâu, dễ dàng quản lý tài chính cá nhân lại tránh việc đánh rơi, bỏ quên. Tiện nhất là có thể thanh toán online các dịch vụ như vệ sinh môi trường, điện, nước, truyền hình... Không phải lúc nào gia đình anh cũng ở nhà vào lúc nhân viên tới thu tiền. Vì thế, tất cả dịch vụ có thể chuyển khoản hay quẹt thẻ, dùng ví điện tử anh đều áp dụng.
Thói quen không tiền mặt của anh Hoàng đã phải "dừng chân" mỗi khi anh đi chợ hay ăn ở quán vỉa hè, vì không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng.
Giống anh Hoàng, chị Nguyễn Minh Nguyệt (30 tuổi, quận Cầu Giấy) là người chuộng tiêu dùng không tiền mặt, nhất là trong thời Covid-19, hạn chế tiếp xúc. Thời điểm chị phải đi rút nhiều nhất nhất là lúc về quê, vừa để chi tiêu vừa biếu bố mẹ. Những khi gia đình có việc đột xuất, chị Nguyệt phải vay người thân hoặc gửi xe khách về. Chị cũng đề nghị bố mẹ mở tài khoản nhiều lần nhưng từ nhà tới ngân hàng huyện cũng 5 km nên ông bà từ chối: "Thiếu thì đi vay chứ mở tài khoản, già rồi không biết cách dùng".
Khi Thủ tướng chính phủ phê duyệt việc triển khai thử nghiệm Mobile Money, anh Hoàng và chị Nguyệt đều rất hào hứng. Họ tin rằng, mọi việc sẽ thuận tiện, đơn giản hơn nhờ thanh toán qua tài khoản di động.
Mobile Money sẽ là công cụ để kinh tế số phát triển đồng đều
Những câu chuyện của anh Hoàng, chị Nguyệt cho thấy, Mobile Money có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Khi được cấp phép chính thức, các nhà mạng như Viettel, Vinaphone, Mobifone sẽ trở thành ngân hàng thế hệ mới, mọi giao dịch mua bán, chuyển tiền sẽ giản dị tới mức tuyệt đối, chỉ bằng một tin nhắn.
"Sắp tới tiền bán hàng mỗi ngày có thể được giữ luôn trong điện thoại rồi, không cần lúc nào cũng lo đánh rơi hay bị mất" - chị Lê Thị Hiền (45 tuổi, quê Thanh Hóa) vui vẻ nói. Hơn nữa, chị cũng có thể dễ dàng gửi tiền về quê cho con qua tài khoản di động mà không cần gửi xe khách về quê như trước.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng lại là những khách hàng khó tiếp cận nhất với ngân hàng và tổ chức tài chính, bởi tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa.
Đại diện Viettel cho biết, với mạng lưới viễn thông phủ sóng 63 tỉnh thành, Viettel hiện có gần 60 triệu thuê bao di động trong nước, có hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý/điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã - phường cung cấp các dịch vụ cho khách hàng trên toàn quốc. Nhờ sử dụng di dộng thành thạo từ lâu, những người già, người ở vùng nông thôn dễ dàng thao tác thanh toán, chuyển tiền kể cả khi họ sử dụng điện thoại cục gạch.
Cách đây ít lâu, câu chuyện về người đánh giày từ chối nhận tiền mặt khiến nhiều người xôn xao. Sau khi đánh giày, người đánh giày trẻ tuổi đưa cho khách hàng mã QR code để thanh toán 20.000 đồng. Anh cho biết "muốn chuyển tiền vào tài khoản để tiết kiệm". Nhưng không phải người đánh giày hay bán hàng rong nào cũng thạo công nghệ và có tài khoản ngân hàng dù họ đang ở thủ đô. Những rắc rối liên quan đến bảo mật, nhớ cả số tài khoản, mật khẩu khiến họ từ chối. Mobile Money sẽ là tương lai cho họ để và tham gia vào việc thanh toán tiền trong các lĩnh vực y tế, giáo dục…
Báo cáo Tăng tốc chuyển đổi số 2021 định hướng 2021-2025 được ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và truyền thông - trình bày tại Hội nghị tổng kết Bộ xác định, Mobile Money sẽ trở thành cốt lõi phục vụ nền kinh tế số, xã hội số. Mỗi người dân sẽ được định danh, xác thực thông qua thiết bị di động, thanh toán được thông qua tài khoản di động, tiến hành các hoạt động thương mại, mua và bán hàng trên mạng. Nhờ vậy, Mobile Money sẽ góp phần cho người dân nâng cao khả năng tự kinh doanh và cơ hội đổi đời trong một nền kinh tế số đang vận động rất nhanh của nhân loại.
Có thể chỉ vài năm nữa, chuyện những người nông dân ở Yên Bái, Lai Châu… bán nông sản khắp nơi sẽ trở nên phổ biến hơn và Mobile Money chính là một phần cho câu chuyện thoát nghèo nhờ công nghệ như thế.
Bình luận (0)