Vở diễn cách mạng "Người ven đô" của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt hiện thu hút đông đảo khán giả.
Sức sống mới cho sàn diễn
Thành công của vở cải lương kinh điển "Người ven đô" do Sân khấu Cải lương mới Đại Việt thực hiện cho thấy các tác phẩm phản ánh lịch sử đấu tranh cách mạng, con người cách mạng đã đến lúc phải gắn với dòng chảy và nhịp sống thời đại.
Gần đây, nhiều tác phẩm sân khấu cách mạng đã được dàn dựng tại TP HCM, từ sàn diễn cho đến màn ảnh nhỏ, như: "Cây sầu riêng trổ bông", "Giọt máu oan cừu", "Câu hò đất mẹ", "Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung", "Dấu xưa", "Thành phố buổi bình minh"... và đều được khán giả đón nhận. Những người trong cuộc cho rằng đã có nhiều nét mới trong việc dàn dựng vở diễn cách mạng hiện nay, đó là thời lượng vở diễn không còn kéo dài lê thê và đội ngũ diễn viên trẻ tài năng được tạo cơ hội để tỏa sáng.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, chính những cải tiến khi thực hiện vở diễn cách mạng đã giúp các sân khấu dễ dàng tiếp cận khán giả hiện nay, nhất là người trẻ. Sân khấu Cải lương mới Đại Việt đã thu hút lượng lớn khán giả đến với một tác phẩm đã sống cùng năm tháng, được dàn dựng với hình thức mới, tạo sức sống mới cho sàn diễn về đề tài cách mạng.
NSND Phạm Thị Thành từng cho rằng sáng tác về đề tài cách mạng vừa là nguồn cảm hứng vừa là nhiệm vụ của giới sân khấu. Tại TP HCM, nơi có nhiều nghệ sĩ giỏi nghề, cần tạo điều kiện cho lớp nghệ sĩ này thể hiện những sáng tạo cho các tác phẩm sân khấu cách mạng mới.
"Hàng loạt vở diễn cách mạng ra đời và đều có sự cải tiến để không chỉ tri ân những chiến sĩ nơi chiến trường mà còn tôn vinh những con người đương đại. Các vở diễn cách mạng nỗ lực hướng đến khán giả trẻ, để họ thêm hiểu và đồng cảm với thế hệ đi trước" - NSND Phạm Thị Thành nhìn nhận.
Cú hích và động lực mới
Tại hội nghị giới thiệu những vở diễn sân khấu tiêu biểu, chuẩn bị xét trao giải 50 tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Sân khấu TP HCM đã nhận được đề cử từ 127 vở diễn. Trong đó, 2/3 là tác phẩm cách mạng của 50 năm qua, được dàn dựng, công diễn tại thành phố mang tên Bác.
Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng đề xuất: "Cần sớm hệ thống hóa các vở diễn cách mạng và đúc kết những bài học kinh nghiệm về diễn xuất, dàn dựng. Nếu có sự chuẩn hóa từ nguồn kịch bản cũ, giới sáng tác sân khấu sẽ có thêm kinh nghiệm để viết, để xoáy vào góc nhìn mới của con người hôm nay trước những biến động của xã hội".
Trong đợt quảng bá những tác phẩm sân khấu cách mạng tại TP HCM vừa qua, các vở: "Rặng trâm bầu" (tác giả: Vũ Trinh - Uyên Nhi, đạo diễn: NSND Trịnh Kim Chi), "Cánh đồng rực lửa" (tác giả: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc), múa "Huyền thoại rừng Sác" (biên đạo: Huỳnh Quang Trí), kịch múa "Tổ quốc" (biên đạo: NSND Hà Thế Dũng, NSƯT Tạ Thùy Chi, NSƯT Lương Xuân Thành)… đã để lại dấu ấn đẹp với khán giả.
Sân khấu miền Bắc gần đây cũng trình làng nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến, như: "Băng đạn cuối cùng" (tác giả Trần Trí Trắc), "Mãi mãi tuổi thanh xuân" (tác giả Nguyễn Giang Phong), "Ngàn mây áo cưới" (tác giả Lê Thế Song)…, được dư luận chú ý.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, bày tỏ tin tưởng sau cú hích của những tác phẩm sân khấu cách mạng tại TP HCM và Hà Nội, đây sẽ là động lực để các tác giả, nghệ sĩ tập trung sáng tạo nhiều tác phẩm mới về đề tài ý nghĩa này.
"Khi xem các vở diễn cách mạng, những vấn đề thời sự nếu được dàn dựng mới mẻ sẽ tạo sức hấp dẫn cho khán giả. Qua đó, thiết thực giúp lớp nghệ sĩ trẻ thêm vững vàng trong chuyên môn" - NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, cho biết các vở diễn cách mạng tiêu biểu rất cần được Hội Sân khấu TP HCM giới thiệu, tổ chức quảng bá. Qua đó, giúp các nghệ sĩ trẻ phát huy tài năng và sức sáng tạo, hướng tới những vai diễn hay trên sân khấu cách mạng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bình luận (0)