Kim Hồng, đang học ngành y sĩ tại một trường trung cấp ở quận Gò Vấp, TP HCM. Hồng năm nay 28 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THCS đã phải đi làm thêm. Hồng chọn học trung cấp vì tin rằng đây là hướng đi mở, giúp cô gái thực hiện ước mơ với ngành y.
"Học chạy" không như mơ!
"Trước kia mình lựa chọn trung cấp vì nghĩ đây là hướng đi ngắn, rút bớt thời gian học tập và tiết kiệm kinh phí. Tuy nhiên, khi Bộ Y tế ra quy định mới thì tất cả học viên đang học nhóm ngành sức khỏe đều ngỡ ngàng. Để có thể làm việc tại các bệnh viện, bắt buộc phải có bằng cao đẳng (CĐ) trở lên" - Hồng chia sẻ.
Gần 3 năm qua, Hồng vừa học nghề vừa học chương trình văn hóa 7 môn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, khuya về luyện giải đề để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 6. Cô dồn hết tâm sức với hy vọng có thể đậu vào trường đại học (ĐH) có đào tạo ngành y tại TP HCM.
Trái lại, Minh Quân (huyện Hóc Môn, TP HCM) lại không có cơ hội để liên thông CĐ hay ĐH. Trong quá trình học, Quân không hoàn thành chương trình văn hóa nên chỉ tốt nghiệp với tấm bằng trung cấp. Cầm tấm bằng nghề trong tay nhưng không thể xin việc, Quân đành phải chạy xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống.
Đó là thực trạng của không ít học viên đang theo học trung cấp nhóm ngành sức khỏe, nếu không được tư vấn lộ trình học cụ thể mà chỉ ham "học chạy" thì sẽ không thể tìm được việc làm phù hợp. Bởi lẽ, các nhóm ngành sức khỏe đang dần có yêu cầu đào tạo, yêu cầu tuyển dụng khắt khe hơn.
Cuối tháng 3-2024, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (tỉnh Long An) đăng tin tuyển dụng các vị trí bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ ngoại tổng quát, bác sĩ nội, kỹ thuật viên hình ảnh, hộ sinh, điều dưỡng. Trong đó, ngành điều dưỡng yêu cầu tối thiểu phải có bằng CĐ. Tương tự, Trung tâm IVF - Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cũng đang tuyển dụng điều dưỡng tốt nghiệp từ hệ CĐ trở lên, đặc biệt phải thành thạo kỹ năng của điều dưỡng viên.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho biết theo Thông tư 26/2015/TTLT-BNV, từ năm 2021 ngành y đã hủy bỏ và chấm dứt tuyển nhân viên y tế trình độ trung cấp. Từ năm 2025, chức danh cán bộ trung cấp trong toàn bộ hệ thống y tế sẽ được bỏ.
Cụ thể, theo khoản 2 điều 17 Thông tư 26: Từ ngày 1-1-2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV, hộ sinh hạng IV, kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp trình độ CĐ chuyên ngành. Viên chức có trình độ trung cấp đã được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp trước ngày 1-1-2021 phải chuẩn hóa để đạt trình độ CĐ đúng chuyên ngành tuyển dụng, chậm nhất trước ngày 1-1-2025.
Bên cạnh đó, theo khoản 10 điều 121 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023: Người được cấp văn bằng đào tạo y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31-12-2026 thì không được cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng các trường trung cấp, CĐ đang tuyển học sinh tốt nghiệp THCS (tức hệ 9+) phải cam đoan đào tạo người học tốt nghiệp THPT và liên thông đến hệ CĐ. Không có tình trạng "đem con bỏ chợ" vì học xong hệ trung cấp không thể xin được việc làm trong nhóm ngành sức khỏe.
Mập mờ từ quy định chồng chéo
Theo ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP HCM (quận Bình Tân), cụm từ "phổ thông 9+", "hệ 9+", "hệ 9+5"… dùng để nói về các chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học tại các trường CĐ. ThS Lý thông tin trường tuyển sinh cả học sinh tốt nghiệp THCS và THPT, tuy nhiên có phân biệt các hệ rõ ràng. Trường đào tạo 24 ngành nhưng học sinh tốt nghiệp THCS chỉ có thể đăng ký học 8 ngành. "Trường có đào tạo các ngành như dược sĩ, y sĩ đa khoa, điều dưỡng... nhưng chỉ tuyển sinh với các đối tượng tốt nghiệp THPT trở lên. Đây là những ngành liên quan đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Người học cần được trang bị kiến thức nền từ THPT trước khi bước vào chương trình đào tạo. Học sinh tốt nghiệp THCS còn quá nhỏ, không thể đáp ứng yêu cầu của ngành học này" - ThS Lý nhận định.
Trước đó, vào năm 2017, Bộ Y tế đã có Văn bản 3857/BYT-K2ĐT gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong văn bản, Bộ Y tế đề nghị người đăng ký dự tuyển trình độ trung cấp khối ngành sức khỏe phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định.
Tuy nhiên, theo Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp chỉ yêu cầu đối tượng tuyển sinh là "học sinh đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên", không có yêu cầu riêng về nhóm ngành sức khỏe.
TS Đặng Văn Sáng, Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM (quận Gò Vấp), cho biết các ngành học của trường đều tuyển sinh đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS trở lên, kể cả nhóm ngành y - dược. Theo TS Sáng, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ trung cấp được quy định: đối với học sinh tốt nghiệp THPT có kiến thức tối thiểu 35 tín chỉ, học sinh tốt nghiệp THCS có kiến thức tối thiểu từ 50 tín chỉ, thời gian học tập từ 1 đến 2 năm học tùy theo từng ngành đào tạo; khối lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải bảo đảm tỉ lệ: lý thuyết từ 25% - 45%; thực hành từ 55% - 75%.
"Với bằng tốt nghiệp trung cấp và giấy chứng nhận chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo trung cấp", học sinh chỉ được liên thông lên CĐ. Nếu học sinh chọn học thêm chương trình văn hóa 7 môn song song chương trình học nghề, có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó lấy kết quả xét tuyển vào CĐ hoặc ĐH" - TS Sáng cho biết thêm.
ThS Nguyễn Đăng Lý lưu ý phụ huynh và học viên cần tìm hiểu kỹ chương trình học văn hóa của các trường, vì đây là kẽ hở trong quá trình đào tạo khiến nhiều học viên sau này phải "ngớ" người.
Với mong muốn thu hút nhiều học viên, một số trường có dấu hiệu tư vấn ẩu, luồn lách, khiến học viên "tiền mất tật mang", học sinh tốt nghiệp nhưng kết quả không như mong muốn.
Cần chấm dứt tuyển sinh mập mờ
Trên mạng xã hội không khó để bắt gặp những bài đăng tuyển sinh với slogan (khẩu hiệu) bắt tai như "học CĐ ở tuổi 15, tại sao không", "tốt nghiệp THCS học ngay CĐ", "tốt nghiệp THCS có thể "nhảy cóc" học CĐ". Đánh trúng tâm lý muốn học nhanh, có bằng CĐ và đi làm sớm của số đông bạn trẻ, một số trường đã đăng tin tuyển sinh mập mờ khiến nhiều học sinh và phụ huynh hiểu nhầm. ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, nhấn mạnh: "Căn cứ theo quy định ban hành thì không có việc học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên CĐ. Việc các trường quảng cáo tràn lan, gây nhiễu loạn thông tin, vô tình khiến học sinh, phụ huynh hiểu lầm".
ThS Trần Phương cho biết học sinh tốt nghiệp THCS có thể học tại trường CĐ, song trường CĐ đó phải đăng ký đào tạo hệ trung cấp. Nếu không có hệ trung cấp mà tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học là có dấu hiệu sai phạm. Khi vỡ lẽ thì kết quả học tập của học sinh sẽ không được công nhận.
TS Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh cần "khai tử" những trường trung cấp đào tạo nhưng không liên thông lên CĐ và chấm dứt tình trạng tuyển sinh mập mờ. Mục đích chính của việc dạy nghề là giúp học viên tìm được việc làm chứ không phải hoàn tất một chương trình học nào đó. "Giáo dục nghề nghiệp là hình thức đào tạo dành cho học sinh không theo học THPT, muốn sớm có việc làm, đây cũng là xu hướng lựa chọn của nhiều phụ huynh, học sinh. Học sinh tốt nghiệp THCS phải hoàn tất hệ trung cấp mới có thể liên thông lên CĐ. Nếu chọn hình thức đào tạo "chạy", học sinh sẽ bị mất một tấm bằng trung cấp nghề" - TS Nghĩa cảnh báo.
Bình luận (0)