Tôi đến Báo Người Lao Động vào năm 2006 khi còn là sinh viên của một trường cao đẳng ở TP HCM. Từ đó cho đến nay, tờ báo như một người bạn không thể thiếu đối với tôi mỗi ngày.
Giai đoạn 2006-2009, tôi học ngành báo chí ở Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II. Ba năm gắn bó với ngôi trường này, tôi được các thầy cô truyền đạt nhiều kiến thức, kỹ năng về nghề báo. Trong đó có dẫn chứng những tin tức, bài viết, hình ảnh trong Báo Người Lao Động để sinh viên học theo. Cơ duyên của tôi với báo bắt đầu từ đó.
Mời bạn đọc cùng tham gia viết cảm tưởng về Báo Người Lao Động tại đây.
Hồi đó, Báo Người Lao Động thường dành riêng một trang Bạn đọc để người đọc báo viết lên chính kiến của mình. Đây là cơ hội để những sinh viên báo chí như chúng tôi cộng tác, tập tành viết lách làm quen với nghề.
Trong một lần đọc Người Lao Động, tôi thấy phóng viên của báo có bài phản ánh một công ty đổ rác, chất thải độc hại vào kênh, vườn nhà dân. Tôi liền viết ý kiến phản hồi gửi cho báo. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gửi cộng tác với Người Lao Động.
Sáng hôm sau, tôi ra sạp báo gần trường mua tờ Báo Người Lao Động đọc và thấy ý kiến của mình được chọn đăng. Niềm vui vỡ òa, tôi chạy đi khoe với các bạn cùng lớp. Tôi cầm tờ báo đó về phòng trọ đọc đi đọc lại ý kiến được đăng không biết bao nhiêu lần. Tôi cắt bài viết ra dán vào tập giấy A4, ngoài bìa đề tên “những bài được đăng báo” như một kỷ niệm đẹp cho riêng mình.

Tôi cắt bài viết ra dán vào tập giấy A4, ngoài bìa đề tên “những bài được đăng báo” như một kỷ niệm đẹp cho riêng mình
Tới giờ, đã gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn giữ ý kiến được đăng đó. Kể từ thời điểm đó cho đến khi về quê công tác, tôi vẫn đọc Báo Người Lao Động điện tử như một sự lựa chọn hàng đầu khi theo dõi tin tức thời sự hằng ngày.
Đến với Báo Người Lao Động, bạn đọc không chỉ nắm bắt được các sự kiện trong và ngoài nước đáng tin cậy diễn ra hằng ngày, mà còn tìm thấy ở đó nhiều câu chuyện giàu tính nhân văn, có tính giáo dục cao thông qua nhiều cuộc thi ý nghĩa mà báo phối hợp với các đơn vị tổ chức. Điển hình như các cuộc thi viết: "Người thầy thuốc trong tôi", "Lòng tốt quanh ta", "Người thầy kính yêu", "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"… Mỗi cuộc thi mang một ý nghĩa, một thông điệp riêng nhưng suy cho cùng nhằm lan tỏa những hình ảnh, lối sống đẹp trong toàn xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Bên cạnh đó, báo còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như "Tự hào cờ Tổ quốc", "Mai Vàng tri ân", "Hướng về miền Bắc yêu thương"... Những gì mà Báo Người Lao Động đã làm cho đất nước, cho nhân dân trong 50 năm qua không thể kể hết bằng lời.

Anh Lê Ngọc Tân công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình xã Sơn Hòa, tỉnh Đắk Lắk
50 năm hình thành và phát triển, Báo Người Lao Động đã có nhiều thay đổi trong bố cục, thiết kế để hướng đến thời đại số, thích ứng với “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Cho dù tờ báo có đổi thay như thế nào đi nữa, tôi vẫn tin chắc rằng quý báo vẫn tiếp tục giữ vững tôn chỉ, mục đích của mình là phụng sự đất nước, phục vụ bạn đọc, nhất là công nhân, người lao động.
Và tôi cũng mong rằng báo sẽ tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động thiện nguyện để bạn đọc cùng nhau thắp sáng niềm tin trong cuộc sống và kết nối những giá trị nhân văn về tình người.
Mặc dù hiện nay trên cả nước có nhiều tờ báo in và báo điện tử ra đời nhưng Báo Người Lao Động vẫn là một trong những tờ báo tôi thích đọc hằng ngày. Bắt đầu một ngày mới, tôi lại truy cập Báo Báo Người Lao Động điện tử để đọc thông tin nóng hổi, những bài viết vượt khó, giàu tính nhân văn để thêm yêu cuộc sống này hơn.
Bình luận (0)