Ông Lê Văn Thức ẩn mình vì nhiệm vụ trong những năm tháng hoạt động trước ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; càng lặng lẽ hơn khi trở về từ nhà tù Côn Đảo, công tác rồi nghỉ hưu.
1. Theo hướng dẫn của UBND xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Thức. Năm nay đã 84 tuổi nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn và khá khỏe mạnh. Tuy không còn nhớ rõ mốc thời gian nhưng ký ức về những năm tháng tham gia cách mạng vẫn hằn sâu trong tâm trí ông.

Ông Lê Văn Thức và mẹ - bà Trần Thị Bính. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Lê Văn Thức và bức ảnh nổi tiếng “Mẹ con ngày hội ngộ” Ảnh: CA LINH
Ông Thức là con trai duy nhất trong gia đình có 5 anh chị em. Trong đó, một người chị của ông tham gia kháng chiến chống Pháp và đã hy sinh. "Cha mẹ tôi không trực tiếp tham gia cách mạng mà làm nghề buôn gạo để tiếp tế lương thực cho lực lượng Thanh niên Tiền phong miền Nam. Nhà tôi ngày trước cũng là nơi cán bộ cách mạng thường tụ họp bàn bạc công việc" - ông cho biết.
Năm 1965, sau khi thi trượt tú tài 2, ông Thức đối mặt việc phải đi lính cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đứng trước nguy cơ bị bắt đi lính, ông quyết định tìm đến căn cứ kháng chiến. Ông đã liên hệ với một cán bộ An ninh Khu VIII đang hoạt động tại xã Tân Thạch để xin được gia nhập lực lượng cách mạng.
Ông Thức được một cán bộ An ninh Khu VIII dẫn dắt vào căn cứ cách mạng tại ấp Tân Phong Nội, xã Tân Thạch - chỉ cách nhà vài cây số. Ông được giao cho ông Năm Văn, một cán bộ chuyên trách về binh vận thuộc Ban An ninh huyện Châu Thành, để tiến hành thu nhận chính thức.

Bức ảnh “Mẹ con ngày hội ngộ” của nhà báo Lâm Hồng Long
Với sự hướng dẫn của ông Năm Văn, ông Thức bắt đầu được huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ điệp báo, trau dồi kỹ năng cần thiết cho hoạt động bí mật. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã thể hiện được năng lực của mình; được kết nạp Đảng sau đó không lâu.
Sau một tháng huấn luyện, ông Năm Văn trịnh trọng thông báo với ông Thức một nhiệm vụ đầy khó khăn, đòi hỏi sự cơ trí, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh. Theo đó, ông phải "tình nguyện" đăng ký vào Trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức - nơi đào tạo sĩ quan của địch.
Trở thành người của ta hoạt động trong lòng địch, bước vào cuộc sống "hai mặt" đầy nguy hiểm của một điệp viên là công việc rất gian nan. Song, vì yêu cầu của cách mạng, ông Thức lao vào đương đầu thử thách với mật danh Thanh Tâm, ký hiệu TT.
2. Sau 9 tháng đào tạo tại Trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức, đầu năm 1966, ông Lê Văn Thức được phong chuẩn úy, được giao chỉ huy một trung đội của địch ở Cai Lậy - Tiền Giang.
Sáu tháng liên tục phải dẫn lính càn quét vùng giải phóng đã đặt ông Thức vào tình thế vô cùng khó xử. Đến tháng 9-1966, tình hình được cứu vãn khi ông được địch chọn đi học khóa huấn luyện chống du kích tại Malaysia. Sau khóa học, ông được điều về huấn luyện tại Trung tâm Hùng Vương của địch thuộc căn cứ Bình Đức ở Mỹ Tho - Tiền Giang.
Ông Thức nhớ lại: "Tôi tìm mọi cách không trực tiếp tham gia trận đánh, trận càn nào nên không gây thiệt hại cho lực lượng của ta. Suốt thời gian hoạt động bí mật, tôi luôn cẩn trọng trong từng hành vi, từng thông tin gửi đi. Những tin tình báo thu thập được, tôi đều chuyển về bên ta với mật danh TT".
Ngày nọ tại thao trường, ông Thức được một người đến mời mua kem và nêu đúng mật danh TT của ông. "Sau khi kết nối thành công, tôi được giao 2 nhiệm vụ là vẽ chính xác sơ đồ căn cứ Bình Đức và lên phương án để ta đánh vào căn cứ này. Tuy nhiên, sau đó, việc tôi đưa bản vẽ ra ngoài đã bị lộ" - ông kể.
Thế là "điệp viên TT" bị quân cảnh đưa về nhà lao Mỹ Tho tra tấn suốt một tháng ròng. Ban ngày địch để ông yên nhưng đêm xuống, chúng dựng ông dậy, dùng nhục hình tra khảo về đường dây điệp báo. Ông kiên quyết không khai nên sau đó bị tuyên án tử hình.
"Địch đã dựng pháp trường chuẩn bị xử bắn tôi nhưng lúc ấy, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên tiếng nếu chúng bắn "Việt cộng" thì bên ta sẽ xử tù binh Mỹ nên tôi tạm thoát. Sau đó, chúng giam giữ tôi ở Mỹ Tho rồi đưa lên khám Chí Hòa và đày ra Côn Đảo" - ông Thức giải thích về việc mình thoát án tử.
3. Tin vui toàn thắng 30-4-1975 mãi 1 ngày sau mới đến được với những tù chính trị Côn Đảo. Sáng 1-5-1975, địch dồn tù chính trị lại. Trước mỗi phòng giam, chúng để cả thùng lựu đạn.
Ông Lê Văn Thức bồi hồi: "Do phòng giam của tôi ở sâu bên trong nhà tù nên không rõ tình hình bên ngoài. Lúc ấy, nghe tiếng la hét bên ngoài, tôi cứ nghĩ địch chuẩn bị thủ tiêu tù chính trị. Nào ngờ, đó là tiếng reo hò của tù nhân khi hay tin Sài Gòn được giải phóng, đất nước đã thống nhất".
Chiều 4-5-1975, những chiếc tàu từ đất liền ra Côn Đảo đưa tù nhân trở về. Sáng hôm sau, tàu chở ông Thức cập bến Vũng Tàu. Mẹ ông - bà Trần Thị Bính hay tin đã cùng người thân đến đón con. Khi gặp mẹ, ông đã ôm chầm bà, mẹ con nức nở...
Ông Thức bùi ngùi: "Không ngờ, khoảnh khắc ấy đã được phóng viên Lâm Hồng Long của Thông tấn xã Việt Nam chụp lại. Mãi sau này, tôi mới biết đến bức ảnh "Mẹ con ngày hội ngộ" khi nó đã rất nổi tiếng".
Khoảng đầu những năm 1990, nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã tìm đến nhà ông Thức ở Bến Tre và tặng gia đình ông bức ảnh trứ danh này. "Khi "Mẹ con ngày hội ngộ" được nhiều người trên thế giới biết đến, một phóng viên từ Mexico không tin các nhân vật trong bức ảnh là có thật nên đã sang Việt Nam làm rõ. Người này đã gặp tôi, tìm hiểu về quá trình làm điệp viên cũng như về bức ảnh ấy" - ông Thức tiết lộ.
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Thức được giới thiệu về xã Tân Thạch làm việc. Năm 1977, ông được bố trí công tác ở Phòng Công Thương nghiệp huyện Châu Thành. Sau đó, ông được cử đi học lớp nghiệp vụ tại Cần Thơ rồi gặp và kết hôn với bà Lâm Thị Hồng Anh, quê Kiên Giang, sinh được 2 người con…
Giờ đây, nhìn lại chặng đường đã qua với những hy sinh thầm lặng của mình, ông Thức vừa tự hào vừa xúc động. "Tôi mong thế hệ trẻ ngày nay hiểu được giá trị của hòa bình, thống nhất để ra sức học tập và rèn luyện. Các bạn trẻ hãy nỗ lực phát triển kinh tế gia đình và đóng góp tích cực cho xã hội, đưa đất nước vươn xa. Đó là cách tốt nhất để đền đáp sự hy sinh của thế hệ đi trước" - ông bộc bạch.
Khoảnh khắc ấn tượng
Nhà báo Lâm Hồng Long là tác giả của nhiều bức ảnh nổi tiếng như: "Bác Hồ với các cháu thiếu nhi", "Bác Hồ với các anh hùng dũng sĩ miền Nam", "Bác Hồ tặng hoa cho mẹ Suốt"..., đặc biệt là "Mẹ con ngày hội ngộ". Năm 1975, ông được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và trong ngày đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về, ông đã có mặt để ghi lại khoảnh khắc ấn tượng ấy.
Trong "Mẹ con ngày hội ngộ", người con là tử tù Lê Văn Thức sau những tháng năm tù đày, xa cách đã trở về trong vòng tay người mẹ già. Có lẽ không lời lẽ nào có thể lột tả hết cảm xúc vỡ òa trong giây phút đó. Người mẹ bạc tóc, hao gầy vì những tháng ngày chờ đợi mỏi mòn; còn người con nước mắt lưng tròng, cố nén xúc động trong vòng tay yêu thương của đấng sinh thành. Gương mặt người mẹ cũng nhòe lệ, áp sát vào vai con, như để chắc chắn rằng đây không phải là giấc mơ, rằng từ nay không còn phải chia lìa. Người con ghì chặt lấy mẹ, đôi mắt rưng rưng, vừa hạnh phúc vừa nghẹn ngào bởi những mất mát không thể nói thành lời...
Năm 1991, tại Đại hội Nhiếp ảnh Quốc tế tổ chức ở Tây Ban Nha, bức ảnh "Mẹ con ngày hội ngộ" (còn có tên khác là "Ngày hội ngộ") của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã được trao Bằng Tuyên dương Danh dự (Mencin Honor).
Bình luận (0)