Bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Dỗ Xuân Chiểu, thành viên HĐQT Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán: POM), vừa có văn bản báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) về việc chỉ bán được 2,8 triệu trong tổng số 8,1 triệu cổ phiếu POM mà bà đăng ký bán từ ngày 26-2 đến 22-3. Lý do là không đạt được giá kỳ vọng.
Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của bà Tuyết tại Pomina chỉ giảm từ 2,92% xuống 1,9% vốn điều lệ, tương đương 5,3 triệu đơn vị.
Đáng nói, bà Tuyết tiếp tục đăng ký bán 5,3 triệu cổ phiếu POM còn lại từ ngày 28-3 đến 26-4 bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, mục đích là để đầu tư.
Trên thị trường, từ đầu tháng 2-2024 trở lại đây, cổ phiếu POM đã tăng khoảng gần 10%. Nếu tính với giá đang giao dịch ở mức 5.290 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị của 8,1 triệu cổ phiếu POM khoảng 42,8 tỉ đồng.
Cũng liên quan cổ phiếu POM, bà Đỗ Kim Ngọc, em gái ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina, hồi đầu tháng 3 đã bán ra 333.652 cổ phiếu, hạ tỉ lệ sở hữu xuống còn 0,84%, tương đương 2,3 triệu đơn vị.
Trước đó, các chị em gái của ông Đỗ Duy Thái là bà Do Nhung (em gái) và bà Đỗ Thị Nguyệt (chị gái) đều đã bán sạch cổ phiếu POM và chính thức không còn là cổ đông của Pomina.
Trong năm 2023, tình hình kinh doanh của Pomina rất khó khăn, công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỉ đồng (giảm 74,6% so với năm 2022) và lỗ ròng 958 tỉ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 1.080 tỉ đồng.
Ban lãnh đạo công ty lý giải có hai nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh giảm sâu. Thứ nhất, nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Thứ hai, tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ giảm mạnh trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn.
Khoản nợ phải trả của Pomina đến cuối năm 2023 là 8.809 tỉ đồng, tăng gần 400 tỉ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong số này là nợ vay tài chính ngắn và dài hạn.
Bình luận (0)