Sáng 29-4, đại tá Trần Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, cho biết sau 5 ngày tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích trong vụ chìm sà lan và tàu kéo ở khu vực biển Lý Sơn, đến nay các cơ quan chức năng đã tạm dừng tìm kiếm.
"Khả năng 5 thuyền viên mất tích còn sống sót rất thấp. Vì vậy lực lượng tìm kiếm quyết định dừng tìm kiếm, đưa các tàu về đảo Lý Sơn ứng trực, sẵn sàng ứng cứu khi có thông tin. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đồn biên phòng dọc bờ biển Quảng Ngãi tăng cường tuần tra tìm kiếm các thuyền viên" - đại tá Trần Tuấn Anh nói.
Trước đó, khoảng 4 giờ ngày 24-4, tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 đang từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) đi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trên hành trình đến khu vực biển, cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý thì tàu kéo xảy ra sự cố và chìm, khiến sà lan chìm theo.
Khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng chức năng tìm kiếm vớt được 4 thi thể, gồm: Trần Minh Phúc (trú Quảng Ngãi), Võ Như Song (trú Tiền Giang) và Đặng Văn Ước, Đặng Văn Nhung (cùng trú Long An). Cả 4 nạn nhân này không có tên trong danh sách khai báo khi rời cảng Kỳ Hà.
Đến nay, cơ quan chức năng xác định 5 thuyền viên có tên trong danh sách khai báo, gồm: ông Phạm Văn Hiệp (51 tuổi, trú Long An), thuyền trưởng; ông Võ Tấn Khương, máy trưởng; Võ Văn Nhiều, thợ máy; Bùi Minh Trí, thủy thủ (cả 3 cùng trú huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) và thủy thủ Đặng Minh Phương (trú Long An) đã mất tích.
Gia đình 5 nạn nhân cũng đã khai báo, xác nhận với cơ quan chức năng các thuyền viên có đi trên sà lan và tàu kéo lúc xảy ra tai nạn.
Câu hỏi đặt ra, vì sao có 4 nạn nhân đã tìm thấy nhưng lại không có tên trong danh sách, họ từ đâu và muốn đi đâu ?
Theo hồ sơ Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cung cấp, khoảng 10 giờ 30 ngày 23-4, đại diện Công ty TNHH Lý Tuấn (có trụ sở tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – đơn vị thuê tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883) đến Trạm kiểm soát Biên phòng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam làm thủ tục xuất bến cho 5 thuyền viên và phương tiện vận chuyển đá đi huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trên sà lan chở 1.200 tấn đá hộc.
Khi làm thủ tục xong, Trạm kiểm soát Biên phòng Kỳ Hà đến phương tiện kiểm tra thực tế, đối chiếu, kiểm đếm người và xác nhận đủ điều kiện xuất bến.
Đại diện Công ty TNHH Lý Tuấn tiếp tục thực hiện các thủ tục tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam và nhận Giấy phép rời cảng Kỳ Hà vào trưa 23-4.
Trung tá Đỗ Xuân Trinh, Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi xảy ra tai nạn và phát hiện có 4 nạn nhân tử vong được tìm thấy không có trong danh sách, chúng tôi có cử lực lượng điều tra, xác minh.
Lực lượng biên phòng Quảng Nam đã làm việc với ông Nguyễn Thanh Nhã (người trông coi đầu kéo Mỹ An 25) và xác định thời điểm biên phòng xuống tàu kéo và sà lan kiểm tra, 4 nạn nhân này đã ngồi trên tàu Mỹ An 25. Đến 12 giờ 10 phút, tàu kéo và sà lan đến đón 4 người này lên tàu, sau đó tiếp tục hành trình đi Lý Sơn.
"Khả năng 4 người này chờ sẵn trên đầu kéo Mỹ An 25, vì họ đã có tính toán từ trước. 4 người này lên tàu để làm việc hay là hành khách thì chúng tôi chưa xác định được. Việc vì sao có thêm 4 người này trách nhiệm thuộc thuyền trưởng. Tuy nhiên, qua các thông tin, chúng tôi nhận định trên tàu kéo LA-06695 có 9 người", Trung tá Đỗ Xuân Trinh khẳng định.
Làm việc với các đơn vị liên quan, về phía Công ty TNHH Lý Tuấn, cho biết chỉ thuê tàu, sà lan cùng 3 thủy thủ từ Công ty Minh Linh; đồng thời, thuê thêm 2 thủy thủ để đảm bảo đúng số người, thành phần vận hành phương tiện theo quy định, còn 4 nạn nhân được tìm thấy "không biết họ là ai".
Còn về nguyên nhân vì sao tàu kéo và sà lan bị chìm, trong khi thời tiết không ghi nhận bất thường… theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng nhiều khả năng do sà lan chở quá nặng nên gặp con sóng lớn từ các tàu hàng đi ngang khiến sà lan bị lật úp.
Được biết, chuyến tàu kéo và sà lan gặp nạn là chuyến vận chuyển đá hộc thứ 5 ra khu vực thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình.
Bình luận (0)