Cảnh báo trên được đưa ra sau khi 4 chiến đấu cơ Typhoon nhận nhiệm vụ bảo vệ không phận NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) phải di chuyển đến Trung Đông để hỗ trợ Israel đối phó cuộc tấn công ngày 13-4 của Iran.
Trước đó vài ngày, nhóm chiến đấu cơ này cũng được huy động để tham gia chiến dịch quân sự trên biển Đen.
Những diễn biến trên làm dấy lên lo ngại phi đội bay của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đang trong tình trạng "quá mỏng" - một lỗ hổng an ninh mà các quốc gia thù địch có thể khai thác để chống lại Anh.
Trong khi đó, tại Westminster, Thủ tướng Sunak nhận một loạt chỉ trích vì quyết định bị mô tả là "không thể hiểu nổi" khiến năng lực tác chiến của RAF suy giảm. Cụ thể, đến năm 2025, 30 trong tổng số 137 chiến đấu cơ Typhoon của Anh sẽ được đưa ra khỏi biên chế, sớm hơn vài năm so với thời điểm "nghỉ hưu" được ấn định ban đầu.
Theo Daily Mail, đây là một nỗ lực "tuyệt vọng" nhằm tiết kiệm chi phí.
"Sử dụng chiến đấu cơ Typhoon đang thực hiện sứ mệnh NATO là một dấu hiệu cho thấy chúng ta hiện gặp phải những vấn đề lớn hơn rất nhiều. Đó là mượn máy bay ở sứ mệnh này để phục vụ sứ mệnh kia. Điều này chứng tỏ chúng ta thiếu máy bay. RAF cần được bổ sung chiến đấu cơ, phi công chiến đấu và vũ khí. Chờ đến khi xung đột nổ ra thì đã quá muộn" - cựu nhân viên tình báo Anh Philip Ingram nhận xét.
Thủ tướng Sunak cam kết tăng chi tiêu quốc phòng từ mức ước tính hiện tại là 2,3% GDP lên 2,5% GDP. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh kịch bản này chỉ xảy ra khi kinh tế Anh cải thiện.
Cựu Bộ trường Quốc phòng Anh Ben Wallace không đồng tình với quan điểm chỉ gia tăng chi tiêu quốc phòng "khi điều kiện kinh tế cho phép", cho rằng đó chỉ là cái cớ chính trị.
"Chúng ta cần đầu tư quốc phòng theo mức độ đe dọa. Nếu không, an ninh của chúng ta sẽ gặp rủi ro và lực lượng của chúng ta sẽ bị quá tải" - ông cảnh báo.
Giới nghị sĩ Anh nhấn mạnh tình trạng khí tài quá tải sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa khi 30 chiến đấu cơ Typhoon bị cho "nghỉ hưu" sớm.
Bình luận (0)