Trung Quốc hôm 21-12 thông báo quyết định cấm xuất khẩu công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm, qua đó mở rộng lệnh cấm áp dụng đối với công nghệ chiết xuất và phân tách nguyên liệu thô chiến lược này. Theo hãng tin Reuters, Bắc Kinh cho biết mục đích của động thái này là bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công.
Giới phân tích nhận định đây là biện pháp đáng chú ý nhất liên quan đến đất hiếm của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua, giữa lúc cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" về công nghệ đang ngày một căng thẳng.
Theo trang Bloomberg, bước đi mới này có thể khiến Mỹ và các đồng minh gặp khó khăn hơn trong việc tăng nguồn cung đất hiếm của phương Tây. Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis SA (Pháp), cho biết: "Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh của mình".
Trong khi đó, ông Nathan Picarsic, đồng sáng lập Công ty Tư vấn địa chính trị Horizon Advisory (Mỹ), nhận định diễn biến mới cho thấy sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bất kỳ phần nào của chuỗi giá trị này cũng đều không bền vững.
Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực khai thác và tinh chế đất hiếm (tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố được sử dụng rộng rãi trong tua-bin gió, phần cứng quân sự, xe điện...).
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Trung Quốc hiện chiếm hơn 2/3 số lượng đất hiếm được khai thác trên thế giới vào năm ngoái, cũng như chiếm gần 1/2 tổng công suất tinh chế toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng thống trị nguồn cung nam châm đất hiếm.
Các quy định mới của Bắc Kinh không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm nhưng có thể làm suy yếu sự phát triển của ngành này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Lệnh cấm đối với một số công nghệ đất hiếm đã được thực thi ít nhất từ năm 2008.
Đầu năm nay, Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu than chì, gali và germani. Gali và germani là những kim loại được sử dụng trong ngành công nghiệp chất bán dẫn, viễn thông và xe điện.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng lo ngại việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm năng lượng sạch và sự thống trị của nước này đối với các thành phần quan trọng của chuỗi cung ứng.
Trang Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Nhà Trắng đang xem xét tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc - một quyết định có thể không tác động nhiều đến ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc nhưng lại ảnh hưởng đáng kể về mặt chính trị. Trong khi đó, EU đã tiến hành cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhằm phản ứng tình trạng nhập khẩu ô tô ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Các kim loại quan trọng (không chỉ đất hiếm mà còn tất cả khoáng sản quan trọng đối với những ngành công nghiệp mũi nhọn) đang ngày càng trở thành tâm điểm chú ý. Các nước phương Tây xem tình trạng thiếu hụt nguồn cung số kim loại này là vấn đề an ninh quốc gia.
Hiện gần như không có bất kỳ nhà máy tinh chế đất hiếm nào bên ngoài Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa các công ty và nhà nghiên cứu nước này đã đạt được những thành tựu đáng kể về phương thức khai thác và xử lý đất hiếm.
Washington - Bắc Kinh nối lại liên lạc quân sự cấp cao
Các quan chức quân sự hàng đầu Mỹ và Trung Quốc vừa nối lại liên lạc qua hình thức trực tuyến sau hơn 1 năm đình trệ. Theo Reuters, giới chức quân sự Mỹ hy vọng diễn biến này có thể dẫn đến sự khôi phục rộng hơn các mối liên hệ giữa quân đội hai nước.
Cuộc gặp trực tuyến nói trên diễn ra giữa tướng Charles Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và tướng Lưu Chấn Lập, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc hôm 21-12. Theo tuyên bố từ văn phòng của ông Brown, cuộc gặp tập trung thảo luận các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.
"Tướng Brown đã thảo luận về tầm quan trọng của việc cùng nhau hợp tác nhằm quản lý cạnh tranh có trách nhiệm, tránh tính toán sai lầm và duy trì các đường dây liên lạc mở, trực tiếp" - tuyên bố cho biết. Ngoài ra, tướng Brown còn nhấn mạnh tầm quan trọng việc quân đội Trung Quốc tham gia đối thoại thực chất để giảm khả năng hiểu lầm.
Theo thông cáo báo chí đăng tải trên trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tướng Lưu nhấn mạnh chìa khóa để hai nước phát triển mối quan hệ quân sự lành mạnh, ổn định và bền vững là Mỹ phải có "hiểu biết đúng đắn" về Trung Quốc.
Cuộc gặp trực tuyến trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng rồi đạt thỏa thuận khôi phục liên lạc quân sự bị đình trệ từ tháng 8-2022. Đây là một trong những nội dung thảo luận ưu tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung này.
Theo sau hội nghị, Lầu Năm Góc trong tháng này cho biết đang phối hợp tích cực với Bắc Kinh để thiết lập liên lạc giữa quân đội hai nước. Giới chức Lầu Năm Góc khẳng định việc liên lạc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn tính toán sai lầm leo thang thành xung đột.
Hoàng Phương
Bình luận (0)