Vụ án sữa giả liên quan đến Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đang gây bức xúc trong dư luận.
Theo điều tra ban đầu, hai doanh nghiệp này bị cáo buộc sản xuất gần 600 loại sữa giả, nhắm vào nhóm người dễ tổn thương như bệnh nhân tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai.

Các nhãn hiệu sữa của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Ảnh chụp màn hình
Quá trình điều tra, công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về hai tội danh: "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Hiện website và fanpage của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group cùng loạt nhãn hàng như Kawai, Talacmum, Sure IQ Gludiabet, Gumi Colos… không thể truy cập.
Trong video quảng cáo, công ty này sử dụng hình ảnh và phát biểu của PGS-TS Nguyễn Thị L., nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia. Bà L. nói rằng với các sản phẩm được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ, người tiêu dùng "hoàn toàn có thể yên tâm" khi sử dụng.
Bà L. "đánh giá rất cao" Công ty Hacofood, "đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA Hoa Kỳ".

PGS Nguyễn Thị L. xuất hiện trong đoạn video giới thiệu của công ty. Ảnh cắt từ clip
Trước việc hai doanh nghiệp sản xuất gần 600 loại sữa giả, bà L. cho rằng bản thân "rất bất ngờ" và khẳng định bản thân không liên quan đến hoạt động sản xuất.
Bà cho biết đã đến nhà máy và thấy dây chuyền sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh... Về đoạn video quảng cáo, bà nói không được xem lại trước khi phát.
Một đoạn video khác có sự xuất hiện của bác sĩ Lê Thị H., nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, giới thiệu sữa Talacmum.
Bà H. nói sản phẩm được sản xuất tại Hacofood, phân phối bởi Tập đoàn Dược quốc tế, với nguyên liệu nhập 100% từ Hà Lan, Nhật Bản, sản xuất theo dây chuyền hiện đại, khép kín. Sữa được quảng cáo có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn.

Bác sĩ Lê Thị H. xuất hiện trong đoạn giới thiệu sữa Talacmum
Thế nhưng, theo kết luận điều tra ban đầu, các sản phẩm này hoàn toàn không chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo hay các thành phần giá trị như công bố. Các đối tượng bị cáo buộc đã thay thế bằng nguyên liệu rẻ tiền và phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng.
Một nhân vật khác mặc áo blouse trắng xuất hiện trong clip quảng cáo được giới thiệu là tiến sĩ- bác sĩ Đinh Ngọc H., "chuyên khoa nhi, Bệnh viện Xanh Pôn". Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định bác sĩ này không thuộc danh sách nhân sự của bệnh viện.
Ngoài một số bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành được được giới thiệu trong video quảng cáo, các công ty sản xuất sữa giả còn mời người nổi tiếng, MC để giới thiệu, quảng cáo các loại sữa này.
Bình luận (0)