Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2024 diễn ra tại trụ sở Bộ Công Thương chiều 23-10, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết khi xây dựng dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều kiến nghị của các cơ quan chức năng qua quá trình điều tra, thanh tra và kiểm tra về việc đưa kinh doanh xăng dầu tiến dần thị trường, giảm chi phí, cắt bỏ khâu trung gian.
Theo đó, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến là không cho các thương nhân phân phối xăng dầu mua chéo của nhau vì lo ngại vi phạm pháp luật.
Theo ông Chinh, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Kinh doanh xăng dầu có 3 khâu là đầu mối, phân phối, bán lẻ. "Nếu trong trường hợp thêm doanh nghiệp mua chéo của nhau ở khâu phân phối nữa thì tạo con số ảo" - ông Chinh cho biết. Thực tế, kinh doanh xăng dầu đã cắt bỏ khâu trung gian là Tổng đại lý, quản lý theo chuỗi từ trên xuống.
"Nhiều ý kiến nói chúng tôi ưu ái cho đầu mối, song tôi khẳng định mỗi phân khúc đều phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh" - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ.
Đặc biệt, ông Chinh cho hay Vụ Thị trường trong nước không ngăn cản các thương nhân phân phối đáp ứng các điều kiện để trở thành đầu mối.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết quan điểm khi xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu là tiếp cận thị trường, giảm bớt trung gian.
Trước đó, tại dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương quy định các thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua từ thương nhân đầu mối kinh doanh.
Tuy nhiên, quy định này vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các doanh nghiệp phân phối xăng dầu vì cho rằng như vậy là tạo thế độc quyền cho một số "ông lớn" xăng dầu, vi phạm Luật Cạnh tranh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị bổ sung một số nội dung cần thiết vào dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Nhà nước đã điều chỉnh, bổ sung nghị định kinh doanh xăng dầu, mới nhất là Nghị định 80/2023, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để 3 vấn đề cơ bản của thương nhân bán lẻ xăng dầu, gồm: hạn chế mua 3 nguồn; chưa bảo đảm chi phí kinh doanh và lợi nhuận, dẫn đến chiết khấu thấp; chưa được giao nhận xăng dầu nội địa quy về tiêu chuẩn 15 độ C nhằm giảm hao hụt trong vận chuyển và kinh doanh.
Bình luận (0)