Theo Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), tàu vũ trụ SLIM đã dành những ngày thức dậy ngắn ngủ để quét bề mặt Mặt Trăng khu vực xung quanh vị trí hạ cánh bằng Camera đa băng tần (MBC).
Thiết bị khoa học này được thiết kế để tìm hiểu thành phần của bề mặt Mặt Trăng, bao gồm olivin (khoáng vật magie silicat) và các khoáng chất khác thông qua phân tích dấu hiệu ánh sáng hoặc quang phổ của chúng khi ánh sáng Mặt Trời phản chiếu.
Trên tài khoản X của JAXA, hình ảnh cuối cùng được công bố từ SLIM là ngày 31-1, theo giờ Nhật Bản.
JAXA đã chính thức xác nhận tàu vũ trụ này tiếp tục ngừng hoạt động.
Việc ngừng hoạt động này từng được các quan chức JAXA nhắc đến trước đó. Vào ngày 1-2, Mặt Trăng bắt đầu đi vào ban đêm kéo dài 14,5 ngày Trái Đất.
Đêm trăng có nhiệt độ lạnh sâu khắc nghiệt và tàu vũ trụ Nhật Bản không được thiết kế để chịu đựng điều đó.
Theo Live Science, JAXA nuôi hy vọng khi nhiệt độ và ánh nắng trở lại vào ngày 15-2, SLIM có thể sống dậy một lần nữa.
Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu như thiết bị điện tử của nó không bị hư hỏng khi trải qua nhiệt độ -130 độ C, ở xích đạo của Mặt Trăng - một điều mà chính JAXA cũng không chắc chắn.
Nó có khả năng "bất tỉnh" lần nữa nếu điều đó xảy ra, lần bất tỉnh này là vĩnh viễn.
Trước đó, tàu vũ trụ SLIM đã phải ngừng hoạt động chỉ vài tiếng ngay sau khi hạ cánh xuống Mặt Trăng, vào ngày 19-1. Do mất một động cơ trong 30 giây cuối giai đoạn hạ cánh, SLIM đã đáp lộn ngược và khiến các tấm pin mặt trời bị lệch 90 độ.
Nó đã phải chờ đợi khi Mặt Trời thay đổi góc độ vào ngày 29-1, giúp ánh nắng hắt được vào tấm pin và từ đó có vài ngày ngắn ngủi - thay vì nửa tháng - để thăm dò Mặt Trăng.
Bất chấp tư thế lộn ngược, SLIM đã giúp Nhật Bản ghi được nhiều hình ảnh quý giá.
SLIM cũng đã là một thành công lớn bởi đã hạ cánh rất chính xác đến điểm dự kiến và đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới đổ bộ Mặt Trăng. Nó còn giải phóng thành công 2 robot nhỏ đi kèm.
Bình luận (0)