xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vươn xa mô hình lớp học số

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Các lớp học số được tổ chức theo đơn vị lớp và theo thời khóa biểu được thiết kế đặc thù vì phụ thuộc thời khóa biểu của GV giảng dạy

Qua một năm thí điểm, mô hình lớp học số của TP HCM không chỉ giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mà còn giúp học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận kiến thức, công nghệ mới

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, từ học kỳ II năm học 2023-2024, mô hình lớp học số đã mở rộng phạm vi ra các trường tiểu học trên toàn thành phố với nhiều môn học khác ở bậc tiểu học. Nhiều học sinh (HS) đã tham gia những tiết học này.

Học sinh thích thú, hào hứng

Từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP HCM bắt đầu thí điểm triển khai mô hình lớp học số nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên (GV) bộ môn trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Ở năm đầu thí điểm, lớp học số được triển khai với 2 môn tiếng Anh và tin học tại Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).

Quyết định thí điểm lớp học số bắt nguồn từ nguyên nhân khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, TP HCM gặp nhiều khó khăn vì thiếu GV cục bộ, nhất là môn tiếng Anh, tin học. Ở những quận, huyện xa trung tâm TP HCM, đội ngũ GV giảng dạy 2 môn học này càng khó tuyển dụng. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc thực hiện lớp học số là một trong những giải pháp mà TP HCM ứng dụng chuyển đổi số trong dạy và học; mang đến sự thích thú, hào hứng cho HS trong quá trình học tập.

Vươn xa mô hình lớp học số- Ảnh 1.

Lớp học số triển khai tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP HCM)

Lý giải về việc chọn 2 trường nêu trên thí điểm, theo Sở GD-ĐT TP HCM, đây là 2 trường tiểu học đều thiếu GV tiếng Anh, tin học nhưng lại khó tuyển dụng cũng như điều chuyển GV từ các nơi khác do địa bàn xa xôi. Một lý do nữa là khả năng tiếp cận công nghệ, phương pháp mới không cao, việc đưa chuyển đổi số vào sẽ hỗ trợ hiệu quả bồi dưỡng chuyên môn cũng như nâng cao chất lượng giáo dục của trường.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho hay để tổ chức lớp học số tại 2 trường trên, thầy cô phụ trách lớp là các GV được sở tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn. Ngoài ra, GV phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn tốt, có khả năng giảng dạy tốt trên môi trường số, làm chủ được lớp học, vận dụng được nhiều phương pháp năng động giúp HS hứng thú khi tham gia tiết học. Các lớp học số được tổ chức theo đơn vị lớp và theo thời khóa biểu được thiết kế đặc thù vì phụ thuộc thời khóa biểu của GV giảng dạy. Các lớp học số tại 2 đơn vị phải có GV trợ giảng trực tiếp theo sát HS.

Qua thời gian triển khai, ông Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, nhận xét lớp học số bước đầu giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu GV bộ môn. Lớp học số còn giúp GV nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. HS rất hứng thú với mô hình học tập mới lạ nên tích cực học tập, tự tin trong làm việc nhóm và giao tiếp với GV bằng tiếng Anh. Nhiều GV đã ứng dụng công nghệ thiết kế bài giảng với nhiều game hấp dẫn, lôi cuốn HS tham gia.

Mở rộng tới nhiều địa phương

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, từ học kỳ II năm học 2023-2024, mô hình lớp học số không chỉ mở rộng phạm vi ra các trường tiểu học toàn thành phố mà còn mở rộng đối tượng HS của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tham gia.

Mô hình lớp học số đã giải quyết bài toán thiếu GV các môn âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học tại các trường ở các khu vực nêu trên. Cụ thể, đối với lớp học số được thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số TP HCM, GV dạy tại trường quay, kết nối trực tuyến với các Trường Tiểu học Thạnh An, Trung Lập Thượng và một trường tại tỉnh Lào Cai. Với lớp học số được thực hiện theo hình thức 1-1, GV một trường tại TP HCM dạy qua máy tính có kết nối trực tuyến hỗ trợ một trường ở địa phương khác.

Hiện đã có 6 trường học tại TP HCM tham gia mô hình này và 8 trường tiểu học ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Lào Cai, Điện Biên được hỗ trợ.

Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP HCM tiếp tục hỗ trợ triển khai lớp học số môn tiếng Anh cho một số trường tiểu học tại Lào Cai, Điện Biên và huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Có 47 GV của 8 trường tiểu học tham gia, thực hiện được 271 tiết học để hỗ trợ các trường.

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện thí điểm mô hình lớp học số vừa qua, đại diện Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cho hay năm học 2024-2025, huyện này có 15 GV dạy tiếng Anh, so với nhu cầu còn thiếu 19 GV. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phì Nhừ triển khai môn tiếng Anh bắt buộc đối với 11 lớp, 324 HS (từ lớp 3 đến lớp 5) tổng số 44 tiết/tuần. Trường chỉ có 1 GV dạy tiếng Anh nhưng nghỉ chế độ thai sản.

Với sự hỗ trợ của ngành giáo dục

TP HCM, trường đã tổ chức được giờ dạy tiếng Anh qua lớp học số. Phòng GD-ĐT huyện Điện Biên Đông đã đầu tư 1 phòng học trực tuyến và trang bị máy chiếu, màn chiếu, thiết bị nghe nhìn cho các lớp học, bảo đảm yêu cầu tối thiểu cho trường triển khai việc dạy và học.

Từ tháng 5-2024, với sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP HCM, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) phân công GV dạy tiếng Anh của trường kết nối dạy thử nghiệm với phòng học trực tuyến của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phì Nhừ. Hai trường đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các thầy cô tiếng Anh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy học trực tuyến đối với HS Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phì Nhừ ngay từ học kỳ I năm học 2024-2025.

Mỗi tuần, trước ngày học tiếng Anh, thầy cô Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì đều gửi đường link lớp học, các nội dung cần chuẩn bị cho tiết học. Sau đó, thầy cô chủ nhiệm các lớp hỗ trợ, giúp đỡ các em HS dân tộc thiểu số cách xa hơn 2.000 km... 

Xây dựng tiết học cùng giáo viên giỏi

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, thời gian tới, Sở GD-ĐT TP HCM tiếp tục hướng dẫn các trường phối hợp với phòng chuyên môn và Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số thành phố xây dựng các tiết dạy với đội ngũ GV giỏi, nội dung chất lượng, sử dụng công nghệ tiên tiến để HS hứng thú với lớp học số.

Sở GD-ĐT TP HCM cũng sẽ có nhiều đợt đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm về tổ chức, quản lý, chuyên môn giảng dạy và nền tảng hỗ trợ. Sở còn nỗ lực để lớp học số không chỉ hỗ trợ HS tiểu học ở các địa phương khó khăn tại TP HCM và các tỉnh xa mà còn hỗ trợ chính các trường tiểu học ở các địa phương trên toàn thành phố đang thiếu GV tin học, mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo