Trước cuộc đối đầu đầy duyên nợ giữa đội U23 Việt Nam và U23 Iraq tại vòng tứ kết giải U23 châu Á lần này (0 giờ 30 phút ngày 27-4), người hâm mộ mong chờ các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn tái lập chiến tích "Thường Châu 2018" đế mở ra cơ hội đến với Olympic Paris 2024.
Níu giữ hy vọng
Trận thua U23 Uzbekistan ở vòng bảng không nói lên nhiều điều, bởi HLV Hoàng Anh Tuấn cùng các học trò cần "ủ mưu" cho cuộc chiến quan trọng trước đối thủ đồng trang lứa Iraq tại vòng tứ kết. Thậm chí, kết quả lần này còn quan trọng hơn hồi ở Thường Châu 2018, vì đội thắng sẽ lọt vào bán kết, mở ra cơ hội đoạt 1 trong 3,5 suất tham dự môn bóng đá nam Olympic Paris 2024 (giải U23 diễn ra vào các năm có Thế Vận hội sẽ đồng thời đóng vai trò là vòng loại châu Á để chọn ra các đội có thành tích tốt nhất, đoạt vé tham dự môn bóng đá nam của sự kiện thể thao trọng đại này).
Nếu nhìn vào những gì đã diễn ra sau 3 trận vòng bảng, ít ai lạc quan với viễn cảnh U23 Việt Nam sẽ vượt qua tứ kết để tiếp cận một tấm vé đến Olympic Paris 2024. Bởi lẽ các học trò ông Hoàng Anh Tuấn còn để lại quá nhiều nỗi lo từ khâu phòng ngự, cách tổ chức lối chơi cho đến bản lĩnh trận mạc. Trong khi đó, sự chênh lệch trình độ giữa chính thức và dự bị cũng là vấn đề khiến HLV rất đau đầu trong các phương án lựa chọn nhân sự.
Nhưng bóng đá đã chứng minh mọi thông số, kết quả không phải lúc nào cũng phản ánh đúng diễn biến trên sân cỏ. Bóng đá sở dĩ mang lại nhiều bất ngờ khó đoán định vì phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố như: tâm lý, năng lực, phong độ của cầu thủ, khả năng ứng biến của HLV, thời tiết, khán giả, trọng tài, may mắn…
Thành ra không có đội bóng hoàn hảo mà chỉ có đội sai lầm ít thắng đội sai lầm nhiều hoặc đội tận dụng tốt cơ hội hơn. Điều này càng đúng với các đội bóng ở cấp độ trẻ vì đặc điểm của bóng đá trẻ là độ ổn định không cao. Đó cũng là thứ níu giữ hy vọng khi chúng ta gặp đối thủ được đánh giá cao hơn.
Có làm nên chuyện?
Nhiều chuyên gia chỉ ra những lỗ hổng "chết người" của đội U23 Việt Nam như hệ thống phòng ngự kém, cầu thủ hay mắc lỗi nhạy cảm dễ trả giá trong điều kiện thi đấu có VAR… Nhưng nên nhớ những đội mạnh như U23 Nhật Bản, Ả Rập Saudi, Iraq... cũng đều mắc những lỗi tương tự. Chẳng hạn với đối thủ U23 Iraq, ngoài những điểm mạnh về thể hình - thể lực, khả năng không chiến, kỹ thuật cá nhân nổi trội thì hậu vệ của họ cũng xoay trở chậm trong không gian hẹp. Thậm chí nhiều cầu thủ của họ hay bỏ vị trí, để lại khoảng trống phòng ngự sau lưng khá lớn giúp đối phương dễ tận dụng ghi bàn (như trận thua Thái Lan 0-2).
Trong bối cảnh đó, bằng một trận đấu xuất thần, biết vượt qua chính mình thì thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có thể làm nên chuyện trước đội trẻ Iraq vốn không quá vượt trội so với Việt Nam.
Những cái tên như Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Tùng, Quan Văn Chuẩn... chẳng phải đã từng không ít lần bị chỉ trích cho đến khi họ tỏa sáng bằng những bàn thắng đẹp và các pha cứu thua đẳng cấp?!
Ở cặp tứ kết còn lại, U23 Uzbekistan sẽ gặp U23 Ả Rập Saudi lúc 21 giờ ngày 26-4.
Nếu các cầu thủ ra sân với tinh thần nỗ lực tận hiến, họ sẽ tạo ra một tập thể thật mạnh mẽ, hoàn toàn có thể giành chiến thắng.
Bình luận (0)