Kể từ khi VCK World Cup 1998 mở rộng lên 32 đội, các nhà vô địch sau đó đều là hạt giống. Đội cuối cùng vô địch mà không bước vào giải với vị thế hạt giống là Argentina năm 1986, thời điểm họ có Maradona quá tuyệt vời.
Dựa theo xu hướng này, chúng ta giữ lại 8 hạt giống, đó là các đội Pháp, Đức, Brazil, Bồ Đào Nha, Argentina, Bỉ, Ba Lan và Nga. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy sau năm 1998, các chủ nhà World Cup thường gây thất vọng trên sân nhà. Ở 11 cúp thế giới đầu tiên, chúng ta chứng kiến 5 nhà vô địch là chủ nhà. Nhưng 9 VCK gần nhất, chỉ có 1 chủ nhà nâng cúp, đó là Pháp của năm 1998, sau nghi án Ronaldo "béo" bị co giật trước trận chung kết mà Brazil thua thảm Pháp 0-3 với 2 cú đánh đầu khó lường của Zidane.
Batshuayi và Lukaku với kiểu ăn mừng ngộ nghĩnh sau trận giao hữu Bỉ thắng Costa Rica 4-1. Ảnh: REUTERS
Vì thế, ngay cả khi Ý đăng cai năm 1990, Đức thăng hoa năm 2006 dưới thời Klinsmann hay Brazil 4 năm trước vẫn không thể đi đến đích thì Nga xem ra khó có cửa tiến xa, dựa vào thực lực của chính đội chủ nhà. Nếu vào được tứ kết, đó là thành công phi thường của đội Nga hiện nay.
Theo phép loại trừ, chúng ta còn lại 7 ứng viên. Nhà vô địch thường là đội có hàng thủ tốt. Thống kê cho thấy trong 5 nhà vô địch gần nhất, không đội nào lọt lưới quá 4 bàn trên hành trình nâng cúp sau 7 trận. Điều này khiến Ba Lan sớm rơi rụng vì hàng thủ của họ để lọt lưới 1,4 bàn trong vòng loại. Trong 6 đội còn lại, Đức và Bồ Đào Nha có hàng thủ tốt nhất, tỉ lệ lọt lưới 0,4 bàn/trận; kế đến là Bỉ và Pháp cùng 0,6 bàn/trận; Brazil 0,61 còn Argentina là 0,88.
Các nhà vô địch World Cup cho đến nay đều đến từ Nam Mỹ và châu Âu. Với lợi thế đăng cai, các ứng viên cựu lục địa được đánh giá cao hơn vì Brazil là đội duy nhất từng đăng quang tại châu Âu - năm 1958 ở Thụy Điển. Với xu thế này, 2 ứng viên Brazil, Argentina sẽ không thể tiến xa hơn và cuộc chơi còn lại Pháp, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha.
Nhà vô địch thế giới ngoài hàng thủ tốt thì phải có thủ môn cực giỏi. 4/5 thủ môn đoạt giải Găng tay vàng gần nhất đều đến từ đội nâng cúp, ở lần cuối cùng là Neuer của Đức. Với tiêu chí này, thủ thành Rui Patricio của Bồ Đào Nha khó cạnh tranh với H.Lloris (Pháp), T.Courtois (Bỉ) hay Neuer.
Thống kê cũng cho thấy đội vô địch thường có đội ngũ giàu kinh nghiệm, với số lần khoác áo đội tuyển trung bình thường tăng cao. Chẳng hạn, cầu thủ đội Brazil năm 2002 có số lần khoác áo đội tuyển trung bình là 28,04, chỉ số này Ý năm 2006 là 32,91, của Tây Ban Nha năm 2010 là 38,3 và Đức 4 năm trước là 42,21. Vì thế, xét trong 3 đội còn sót lại, Pháp non kinh nghiệm nhất, với số lần khoác áo tuyển trung bình chỉ 24,56 so với 43,26 của Đức và 45,13 của Bỉ.
Sau Brazil năm 1962, chưa đội bóng nào bảo vệ được cúp vàng. Thậm chí, các thống kê còn khiến nhiều CĐV Đức thêm âu lo. Sau Brazil, 13 đội giữ cúp thì chỉ có 2 vượt được vòng tứ kết - Argentina năm 1990 và Brazil 1998 dù Selecao hạng 4 năm 1974, lúc VCK thi đấu theo thể thức 2 bảng rồi trận chung kết. Trong 4 kỳ World Cup gần nhất, 3 đội đương kim vô địch thậm chí còn không qua nổi vòng 1, đau nhất là Tây Ban Nha năm 2014.
Vì thế, nếu mọi quy luật đều xảy ra theo như đã kể ở trên, Bỉ sẽ lần đầu tiên đăng quang. Tuy nhiên, trái bóng vốn tròn nên mọi số liệu chỉ mang tính chất tham khảo. Bên cạnh Brazil thì Đức vẫn luôn là ứng viên đáng gờm. Trong 9 cúp thế giới gần nhất, "những cỗ xe tăng" đã nâng cúp 2 lần (1 lần khi còn là Tây Đức), 3 lần về nhì và 2 lần xếp hạng 3.
Bình luận (0)