World Cup 2018 là vòng chung kết một giải bóng đá đầu tiên FIFA đưa ứng dụng công nghệ mới nhất VAR - "trợ lý trọng tài qua video" - vào hoạt động và áp dụng một số chỉ số phụ khác. Với VAR, có người ủng hộ, cũng có nhiều ý kiến phản đối nhưng qua những gì thấy được, VAR xem ra vẫn chưa hoàn hảo dù rất hiện đại.
Trong trận Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha (hòa 3-3), Ronaldo đã kiếm một quả phạt đền rất điệu nghệ và chính nụ cười chọc kháy đối phương của siêu sao này nói lên tất cả. Cựu trọng tài Premier League, ông Mark Halsey, cho rằng VAR đã thất bại trong tình huống Harry Kane bị phạm lỗi nhưng không được công nhận trong trận gặp Anh gặp Tunisia. Trong trận gặp Thụy Sĩ, Brazil cũng không hài lòng khi cầu thủ ghi bàn gỡ hòa của đối phương phạm lỗi với hậu vệ. Morocco cũng bị ức chế trong trận gặp Bồ Đào Nha khi HLV Herve Renard nhiều lần yêu cầu sử dụng VAR nhưng trọng tài làm ngơ!
CĐV Nhật tại một quán bar ở Tokyo không tin vào mắt mình khi đội nhà vượt qua Senegal vào vòng 1/8 nhờ điểm fair-play cho dù thua Ba Lan Ảnh: REUTERS
Nhưng nhờ VAR mà những tiểu xảo trước cầu môn của các cầu thủ bị lật tẩy. Cụ thể như siêu sao Neymar của Brazil ngã giả vờ trong trận gặp Costa Rica bị VAR tố cáo và mất phạt đền. VAR cũng minh oan cho Sanchez (Colombia) đêm 28-6 sau tình huống trọng tài cho là anh vào bóng phạm lỗi với Sane của Senegal.
Ông Sepp Blatter, cựu Chủ tịch FIFA, cho rằng công nghệ VAR đang thất bại do thiếu tính thống nhất. Từ nay khó có chuyện "bàn tay Chúa" như của Maradona tại Mexico 1986 nhưng trên thực tế, quyết định cuối cùng vẫn là trọng tài chính - cũng có nghĩa là yếu tố con người vẫn trên hết, cảm xúc bóng đá tự nhiên có thể mất đi ít nhiều nhưng không đến nỗi.
Câu chuyện khác: Có công bằng hay không khi xét chỉ số fair-play?
Đây cũng là một cố gắng của FIFA để đi tìm sự công bằng trong bóng đá, cũng nhằm nâng cao đạo đức và lối chơi đẹp của cầu thủ. Tuy nhiên, quy định này ngay lập tức bị lợi dụng. Cụ thể, trong trận Nhật - Ba Lan, 10 phút cuối cùng Nhật không muốn đá, cứ chơi "bóng ma", đi bộ trên sân để giữ được chỉ số fair-play. Vậy chỉ số này dùng để làm gì khi bóng đá mà cầu thủ không đá bóng, cũng như con người không làm gì hết thì sẽ không có khuyết điểm!
Điều lạ lùng là theo luật, một cầu thủ câu giờ vài chục giây là bị thẻ vàng, câu giờ lâu hơn có thể bị thẻ đỏ. Vậy mà cả một đội tuyển Nhật câu giờ lên đến hơn 600 giây mà chẳng bị phạt, thậm chí lại vào vòng sau nhờ ít hơn Senegal 2 thẻ vàng! Tại sao không sử dụng những chỉ số khác khoa học hơn?
Đâu phải chỉ có những chỉ số mới phản tác dụng, cách tính điểm cổ điển như lâu nay cũng bị lợi dụng. Hãy xem trận Pháp - Đan Mạch ở lượt cuối bảng C. Cả hai dắt tay nhau vào vòng sau bởi ở trận cùng giờ, Úc thua Peru. Vì thế, 2 đội bóng châu Âu như đang đá giao hữu khiến 70.000 khán giả có mặt trên sân Luzhniki đồng loạt phản đối dữ dội.
Bình luận (0)