Thức gần trắng đêm xem 2 trận Thụy Điển - Thụy Sĩ và Anh - Colombia, cảm giác của tôi là khá mệt mỏi. Có quá ít những yếu tố mang tính "nghệ thuật bóng đá" trong 2 trận đấu này, những yếu tố đã khiến bóng đá trở thành môn thể thao thu hút nhất hành tinh. Tôi đã từng nghe một vị giáo sư ở nước ngoài, là bạn tôi, nói "bóng đá là thuốc phiện của nhân dân". Tôi nghe ý này vui vui nên xin thưa lại: Nếu bóng đá quả thật là "thuốc phiện của nhân dân" thì tôi mong loại "thuốc phiện" này phát triển và phát triển ở trình độ cao, vì nó "phê" lắm.
Bóng đá cần những pha tranh bóng sòng phẳng, đường chuyền hay, ghi bàn đẹp thay vì những lời than phiền, tranh cãi… Ảnh: REUTERS
Không phải ngẫu nhiên mà thế giới yêu thích những ngôi sao bóng đá. Đó là những người thực sự xuất chúng, họ làm nên những khác biệt với trái bóng tròn. Không chỉ ghi bàn, những pha dắt bóng qua người, những đường chuyền cự ly xa của họ luôn khiến người xem ngây ngất.
Bóng đá đỉnh cao là một "thế giới khác", nơi mỗi con người bình thường nhưng yêu bóng đá được tận hưởng những giây phút dường như không có trong đời thường, những giây phút xuất thần, những đỉnh cao và vực sâu cùng một lúc, những tột cùng hân hoan và thất vọng ê chề cùng một lúc. Những "dao động sóng" ở quãng rộng kỳ lạ như thế khiến bóng đá không chỉ thu hút mà còn mê hoặc con người.
Nhưng xem 2 trận Thụy Điển - Thụy Sĩ và Anh - Colombia quả thật rất ít thấy những tình huống, những pha bóng khiến người xem ngây ngất. Sự hợp lý là cần thiết cho bóng đá hiện đại nhưng nó không phải là tất cả. Bóng đá cần sự bất hợp lý, cần cả sự không tưởng. Nó là những "giấc mơ trên sân vận động", những giấc mơ cùng lúc của hàng tỉ người xem.
Còn nhớ ở Mexico 1986, khi Diego Maradona tung "Bàn tay của Chúa" ghi bàn, biết bao nhiêu người đã phản đối anh, thậm chí rủa sả anh. Nhưng rồi, khi bình tĩnh lại, họ mới nhận ra bóng đá cũng như cuộc đời, nó có cả những phần oái oăm, những phần không thật ngay thẳng như vậy. Nhưng không phải ai cũng làm được điều "rất là sai" như Maradona đã làm, chỉ vì Maradona là một người đặc biệt, một thiên tài của bóng đá.
Tình huống đó khác hẳn với tình huống G.Hurst của đội tuyển Anh ghi bàn trong trận chung kết với Đức năm 1966. Với công nghệ Goal-line bây giờ, bàn thắng ấy nhất định sẽ không được công nhận. Còn pha ghi bàn bằng tay của Maradona? Tôi không hiểu nó sẽ thế nào nhưng đó vẫn là một pha bóng xuất thần của một thiên tài, dù nó sai lè!
Bóng đá, thực ra, phức tạp hơn ta tưởng.
Trở lại với 2 trận đấu khiến một người xem là tôi mệt mỏi. Không có gì sai trong 2 trận ấy. Kể cả quả phạt đền gây tranh cãi mà H.Kane bị phạm lỗi trong vòng cấm, xem ra cũng không oan lắm cho Colombia. Đội bóng này vẫn có những tình huống mất bình tĩnh như vậy.
Không sai nhưng không hay.
Thụy Điển là một đội bóng có tổ chức tốt và chơi hết sức hợp lý. Nhưng nó không cuốn hút người xem. Còn cái "xộc xệch" của Colombia cũng không gây được sự tán thưởng. Bóng đá cần một cái gì hơn thế chứ không đơn thuần chỉ là kết quả.
Dù Neymar có vờ ngã ra và lăn lộn nhiều vòng một cách rất trẻ con, anh vẫn là một tài năng lớn của bóng đá thế giới. Người xem sẵn sàng… cười và bỏ qua những tình tiết vui vui ấy. Bởi người xem mê mải với những pha bóng đẹp, những pha bóng xuất thần. Cái này thì Neymar lại làm được.
Bóng đá cũng như cuộc đời, nó có cả những phần oái oăm, những phần không thật ngay thẳng như vậy.
Bình luận (0)