Nhiều năm sinh sống ở Việt Nam nhưng Amaobi luôn hướng về đội bóng quê hương với niềm tin rất lớn rằng năm nay, Nigeria sẽ làm nên chuyện khi đội hình đang ở thời điểm chín muồi nhất.
Thực tế Nigeria không phụ lòng chúng tôi, nhưng thật đau khổ khi đội bóng chơi hay hơn lại trở thành nạn nhân của công nghệ trợ lý trọng tài hình ảnh (VAR) và những quyết định đầy bất lợi của trọng tài Thổ Nhĩ Kỳ C.Cakir trong tình huống mà lẽ ra Argentina phải chịu phạt đền. Khi bóng chạm tay Marcos Rojo ở phút 76, ống kính truyền hình chưa cần quay lại tình huống thì khán giả cũng đã cảm nhận được 90% khả năng Nigeria sẽ được hưởng phạt đền.
VAR xác định đội Argentina không bị phạt đền rạng sáng 27-6 dù bóng chạm tay Rojo Ảnh: REUTERS
Đó sẽ là một khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Nigeria, vì loại được đội bóng có siêu sao số 1 thế giới Messi. Vậy mà không hiểu sao trọng tài Cakir lại từ chối thổi phạt 11 m. Thậm chí sau khi vị "vua áo đen" này tham khảo công nghệ VAR, quyết định cuối cùng vẫn là cái lắc đầu, như thể FIFA cương quyết giữ Argentina ở lại với World Cup bằng mọi giá!
Sau trận đấu, tôi thất vọng gọi video call với gia đình ở Umuahia Ibeku (Nigeria). Không khí trong nhà thật nặng nề, ai cũng thất vọng. Cháu gái Peace Kasarachi của tôi nói sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Messi không còn là một biểu tượng bóng đá trong mắt trẻ em Nigeria nữa. Tôi động viên người nhà vì hiểu rằng Messi hay Argentina không có lỗi, có chăng chỉ là vì họ là đội bóng lớn, còn Nigeria cũng như nhiều đội bóng "nhỏ" khác nên không được FIFA ưu ái bằng.
Các cầu thủ Nigeria phản ứng đòi được hưởng phạt đền sau tình huống bóng chạm tay Rojo nhưng trọng tài Cakir từ chối, ngay cả khi đã xem lại bằng công nghệ VAR Ảnh: REUTERS
Word Cup 2018 là giải đấu lần đầu công nghệ VAR được áp dụng. Dù mục tiêu của nó là mang tới sự công bằng hơn, chính xác hơn nhưng cũng không ít rắc rối và cả sự "tụt cảm xúc" với người xem. Người chơi bóng như chúng tôi hiểu rất rõ và luôn chấp nhận, kể cả có phản ứng đi chăng nữa thì vẫn phải đồng ý rằng sai sót của trọng tài bắt buộc phải là một phần của cuộc chơi. Còn khi đã áp dụng công nghệ máy móc vào bóng đá thì mọi thứ sẽ đi chệch hướng.
Rồi đây, FIFA cần phải xem lại VAR để sử dụng một cách hợp lý nhất. Không biết mọi người xem World Cup năm nay như thế nào, riêng tôi thấy từ khi áp dụng VAR thì trọng tài thường tiền hậu bất nhất. Đành rằng con người có sai sót nhưng khi áp dụng công nghệ, tức là có máy móc hỗ trợ tối đa nhưng vẫn sai thì không hay lắm.
Hơn nữa, có VAR nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là trọng tài. Đó là chưa kể việc sử dụng VAR khiến các trọng tài ỷ lại, chủ quan. Họ sẽ đánh mất sự tập trung trong những tình huống nhạy cảm hay diễn ra nhanh, vì đã có máy móc hỗ trợ rồi.
Cá nhân tôi xem bóng đá nhưng một trận đấu bị ngắt quãng vài lần vì công nghệ VAR cảm thấy mất hứng lắm dù chúng ta phải thừa nhận VAR mang tới sự chính xác gần như tuyệt đối.
Tin vào Brazil
Xét về tổng thể, hạn chế lớn nhất của bóng đá châu Phi nói chung là kinh nghiệm thi đấu và yếu tố kỷ luật chiến thuật chưa thực sự ổn định như các đội châu Âu. Chính những điểm yếu đó thường xuyên khiến các đội ở châu Phi khó hy vọng để tiến xa hơn được.
Qua những thể hiện của các đội từ đầu giải đến nay, có ý kiến cho là ứng viên đoạt cúp vẫn chưa lộ diện. Nhưng với tôi thì Brazil đang tiềm ẩn sức mạnh của một nhà vô địch. Brazil càng đá càng ổn định, càng đá càng hay nên đó là điều mà các đội có tham vọng ở giải lần này cần cảnh giác.
Mời bạn đọc hãy tham gia dự đoán để gửi phiếu sớm nhất đến chương trình trận ở đấu giữa hai đội Senegal - Colombia để có cơ hội nhận giải thưởng 500.000 đồng tại đây.
Bình luận (0)