Những khối đá cẩm thạch và hoa cương, những cột trụ khổng lồ, những sân ga rộng lớn cùng các công trình nghệ thuật đã khiến chúng trở thành những di sản thực sự, ngoài vai trò trung chuyển mỗi ngày 9 triệu người.
Khi World Cup đến, nó tràn ngập các dòng cổ động viên và sự thay đổi là dành cho họ. Những biển chỉ dẫn bây giờ đã có thêm tiếng Anh, bên cạnh những dòng chữ Slave quen thuộc. Những chỉ dẫn còn in cả trên mặt đất để hướng dẫn người nước ngoài, gần nửa triệu người cả thảy, đổ đến nước Nga. Nhưng không chỉ có thế, các nhân viên nhà ga cũng như cảnh sát được tăng cường đáng kể cùng đội ngũ tình nguyện viên bị buộc phải lịch thiệp, phải nở nụ cười và sẵn sàng hướng dẫn cho du khách bằng tiếng Anh.
Nhà ga Volgograd, trước đây là Stalingrad, nơi diễn ra trận đánh cầm chân quân Đức những năm 1942-1943 Ảnh: REUTERS
Anna là một nhân viên như thế. Không còn trẻ nữa và từ chối được chụp ảnh cùng, lấy lý do là đang làm nhiệm vụ, cô nói rằng cô và rất nhiều nhân viên metro khác của Moscow đã phải học các lớp tiếng Anh cấp tốc trước World Cup. "Đấy là điều bắt buộc" - cô nói với tôi bằng một giọng tiếng Anh không chuẩn lắm. "Tất cả chúng tôi đều phải học để trở nên thân thiện hơn". Những người như Anna tôi gặp rất nhiều ở các nhà ga metro. Không nhanh bằng các tình nguyện viên xinh xắn và nói tiếng Anh như gió (họ là sinh viên mà), Anna vẫn có thể giúp đỡ mọi người bằng các động tác chỉ hướng đi của đoàn tàu, sau đó không quên nở nụ cười trên đôi môi rất xinh của cô.
Nụ cười ấy tôi cũng thấy trên môi của một cô phục vụ toa trên con tàu chạy xuyên nước Nga. Rất trẻ, quyến rũ, cô nói một thứ tiếng Anh không chê vào đâu được. Một lẽ đơn giản: Các fan cũng sử dụng tàu hỏa để đi lại rất nhiều trong dịp World Cup. Ngành đường sắt Nga thậm chí còn yêu cầu các nhân viên phải cười. Họ lo ngại rằng sự nghiêm túc thái quá của nhân viên có thể làm giảm sự thân thiện của khách. Trên thực tế, World Cup đã đi đến những ngày cuối và chưa có chuyện tiêu cực đáng kể nào xảy ra từ phía nước chủ nhà.
Một nhà tâm lý học người Nga, bà Elnara Mustafina, đã nói thế này với một tờ báo Ý: "Người Nga thường chẳng mấy khi nở nụ cười với người nước ngoài. Họ không có thói quen cởi mở với người nước ngoài. Cần phải thay đổi". Thói quen ấy được cho là còn sót lại từ thời Xô Viết, khi chiến tranh lạnh còn chia thế giới làm 2 cực và những người tổ chức World Cup ở Nga muốn phá vỡ những điều ấy, nhằm tránh tiếng xấu và sự định kiến mà báo chí phương Tây dành cho họ. Moscow từng đứng đầu trong danh sách các thành phố thiếu thân thiện nhất thế giới, theo một bảng xếp hạng của CNN. Thế nên, những thay đổi tích cực đang diễn ra, không phải chỉ vì bị bắt buộc phải như thế - theo cách mà các nhân viên nhà nước phải thực hiện, mà ở cả những người dân thường. Tôi thấy họ mỉm cười chào khi tôi đi trên đường, sẵn sàng giúp khi tôi mua hàng, họ cởi mở hơn, nếu không thể nói được tiếng Anh thì sẵn sàng dùng phần mềm Google Translate để nói chuyện.
Ở World Cup này, nước Nga đã ghi điểm rất nhiều, một sự thay đổi cần thiết về bộ mặt và dịch vụ để đón tiếp nhiều hơn những người đến đây sau này, đương nhiên, không phải vì trái bóng tròn...
Bình luận (0)