Từ nguyên thủy, hình ảnh một samurai - võ sĩ đạo - là hình ảnh một chiến binh kiêm toàn cả văn và võ. Họ là người "tay bút tay kiếm", trọng danh dự bản thân nhưng luôn biết kính trọng đối thủ. Trong các cuộc tỉ thí, họ luôn thi đấu với 200% quả cảm, cùng với từng ấy sức lực.
Đội Nhật Bản khi gặp Senegal đêm 25-6 đã thi đấu với tinh thần như vậy. Vì đối thủ có những thế mạnh hơn hẳn họ, lại có ngôi sao Mane đang chơi chói sáng ở Giải Ngoại hạng Anh trong màu áo Liverpool. Chính Mane là người mở tỉ số cho Senegal, cũng là người dẫn dắt lối chơi cho đội bóng châu Phi mạnh mẽ này.
Còn Nhật Bản, họ "nhỏ nhưng có võ". Đúng là so với cầu thủ Senegal, cầu thủ Nhật nhỏ con hơn, chạy không nhanh bằng nhưng lại rất biết cách tranh cướp bóng.
Dưới sân, đội Nhật thi đấu với tinh thần võ sĩ đạo thì trên khán đài, CĐV của họ thể hiện nét đẹp của những con người văn minh, hiện đại Ảnh: REUTERS
Cầu thủ Nhật Bản không chơi xấu, không trả đũa khi bị chơi xấu. Họ nén chịu. Và dồn tất cả nội lực vào từng đường bóng. Đó là tinh thần samurai truyền thống được sáng lên trên sân cỏ hiện đại.
Một đất nước văn minh sẽ có những công dân văn minh. Ở World Cup năm 2014 tại Brazil, sau trận đấu mà đội Nhật Bản thua, CĐV của họ đã ở lại sân, khi mọi người đã ra về. Họ ở lại sân chỉ để cần mẫn nhặt hết những gì được gọi là rác trên khán đài, dù họ đang rất buồn vì đội bóng của mình thua trận. Tôi nghĩ cầu thủ đội tuyển Nhật Bản đã thấm thía với bài học này, chính là bài học đã đưa nước Nhật đi lên từ một quốc gia bại trận tới một quốc gia hùng cường hàng đầu thế giới.
Đó cũng là tinh thần samurai.
Nhìn những cầu thủ Nhật Bản thi đấu, không ai nghĩ họ thua, dù có thể trong thực tế, họ thua một trận đấu nào đó. Trong mỗi đường bóng chuyền, mỗi cú sút dù thành bàn hay không của cầu thủ Nhật, đều có một yếu tố "cộng thêm". Đó là tinh thần của họ, khát khao của họ. Nó còn lớn hơn cả kết quả một trận đấu.
Trước World Cup, rất ít khán giả trung lập nghĩ đội Nhật Bản sẽ làm được gì hay đi tới đâu tại giải này, vì họ đã không thành công trong quá trình chuẩn bị và các trận đá giao hữu. Gần vào giải lại phải thay HLV.
Nếu nói HLV đương nhiệm của đội Nhật, người mới nắm đội 2 tháng trước giải, là HLV cực giỏi thì cũng đúng, vì đội Nhật Bản đã chơi bóng với sự gắn kết kỳ lạ. Nhưng có lẽ, đội Nhật Bản được như thế chính là nhờ ở tinh thần của họ, ở sự tự rèn luyện tới mức khắc nghiệt của họ, trước khi nhờ vào tài năng của HLV. Đội Nhật Bản sẽ thi đấu như vậy ở bất kỳ giải đấu nào. Nhưng ở World Cup, tinh thần thi đấu sẽ tăng lên gấp đôi.
Senegal là một đối thủ lớn và theo tôi, rất thích hợp để đội Nhật Bản tranh hùng và thể hiện hết tiềm năng của mình. Tôi không dám nghĩ đội Nhật Bản sẽ đi xa tới đâu nhưng chỉ ở trận hòa với Senegal, họ đã đi được rất xa rồi.
Đội Nhật Bản đã vượt lên chính mình. Đó mới là điều đáng kể nhất.
Đúng như tinh thần samurai truyền thống.
Bình luận (0)