Trong suốt chiều dài lịch sử gần một thế kỷ của World Cup, chưa từng có đội tuyển quốc gia nào rơi vào cảnh phân ly đến cùng cực như Nam Tư. Đất nước sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá bậc nhất này từng 2 lần vào đến bán kết World Cup các năm 1930 và 1962, 2 lần đoạt HCB môn bóng đá Olympic 1948 và 1952, giành 2 ngôi á quân và một lần xếp hạng 4 châu Âu.
Lịch sử huy hoàng
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cảnh loạn lạc ở quốc gia này vẫn không ngăn được đội tuyển trẻ Nam Tư lên ngôi vô địch U20 thế giới năm 1987, tuyển Nam Tư vào đến tứ kết World Cup 1990 còn Red Stars Belgrade đăng quang cúp C1 (tiền thân của Champions League) năm 1991.
Bóng đá Nam Tư chia năm xẻ bảy nhưng so với "những người anh em" như Serbia, Macedonia, Bosnia & Herzegovina, Slovenia hay Montenegro, Croatia được xem là "hậu thân" xứng đáng nhất.
Sau khi tái lập quốc vào năm 1990, bóng đá Croatia chỉ phải chờ hơn 2 năm để trở thành thành viên của FIFA và tham dự giải đấu chính thức đầu tiên tại vòng loại Euro 1996. Góp mặt tại World Cup 1998 trên đất Pháp, thế hệ của những "nghệ sĩ sân cỏ" Davor Suker, Robert Prosinecki, Zvonimir Boban, Alen Boksic… đã phô diễn một lối chơi tấn công rực lửa, đánh bại tuyển Đức 3-0 ở tứ kết, chỉ thua chủ nhà Pháp ở bán kết trước khi vượt qua Hà Lan ở trận tranh hạng 3.
Chân sút Davor Suker giành được danh hiệu "Vua phá lưới" tại vòng chung kết năm ấy với 6 bàn thắng và tuyển Croatia vươn lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng FIFA tháng 1-1999, thành tích tốt nhất tính đến nay của làng bóng này.
Trong số những tên tuổi lừng lẫy ngày ấy, Suker giờ nắm giữ cương vị chủ tịch LĐBĐ Croatia; Boban hiện là Phó Tổng thư ký FIFA… Tất cả luôn canh cánh bên lòng giấc mơ đưa nền bóng đá non trẻ quê nhà lên một tầm cao mới.
Dejan Lovren và niềm vui của các cầu thủ Croatia khi được vào chung kết. Ảnh: REUTERS
Đòi lại món nợ cũ
Với dàn cầu thủ tài năng Luka Modric, Ivan Rakitic, Mario Mandzukic, Ante Rebic… cùng kinh nghiệm chinh chiến tại các sân cỏ hàng đầu châu Âu, đội quân của HLV Zlatko Dalic đủ sức thích ứng với bất kỳ đấu trường nào. Ngoại trừ hàng công không bao gồm các chân sút đắt giá, đội hình Croatia là tập hợp các kỹ thuật gia bậc thầy, từ Danijel Subasic trong khung gỗ, các hậu vệ lão luyện Sime Vrsaljko, Dejan Lovren cho đến "bộ đôi ma thuật" ở khu trung tuyến Luka Modric - Ivan Rakitic…
10 ngày, ra sân 3 trận từ 120 phút trở lên trong tình cảnh luôn bị dẫn bàn và sức lực bị vắt đến cạn kiệt, Croatia vẫn thi đấu kiên cường, giữ vững thế trận rồi lội ngược dòng vô cùng ngoạn mục. Vượt qua Đan Mạch và Nga ở các loạt đá luân lưu trước khi nhấn chìm tuyển Anh bằng 2 đòn "hồi mã thương" chí tử, bản lĩnh và đẳng cấp Croatia đã tạo được ấn tượng vô cùng mạnh mẽ. Toàn thắng cả 6 trận đấu tính đến thời điểm này, đoàn quân áo carô trắng - đỏ xứng đáng có mặt ở trận đấu cuối cùng của World Cup 2018. Hai thập niên sau chiến tích xếp hạng 3 World Cup 1998, bóng đá Croatia đang đứng trước cơ hội viết lại lịch sử, tràn trề hy vọng trở thành chủ nhân mới của danh hiệu vô địch thế giới.
Án ngữ giữa quá khứ và tương lai của bóng đá Croatia giờ chỉ còn rào cản mang tên tuyển Pháp - đội bóng trẻ trung, giàu tham vọng được dẫn dắt bởi một HLV tài hoa cũng sau đúng 20 năm mới trở lại đỉnh cao. Nếu Croatia chỉ là "tay mơ" về chuyên môn, tuyển Pháp đích thị là một "đại gia" khi trong vòng 6 năm qua đã lần lượt vào đến tứ kết World Cup 2014, chung kết Euro 2016 và giờ là chung kết World Cup 2018.
Croatia vào đến bán kết World Cup 1998 và thất bại 1-2 dưới tay chủ nhà Pháp bởi "cú đúp" siêu phẩm của hậu vệ Lilian Thuram, đành nhìn đối thủ sau đó tiến thẳng đến ngôi vô địch. Sau 20 năm, Croatia liệu có đòi lại món nợ cũ với người Pháp để tự tay viết nên một chương mới cho nền bóng đá non trẻ? Cuộc so tài giữa 2 thủ môn hay nhất VCK, 2 hàng hậu vệ khá ngang sức ngang tài báo hiệu một trận chung kết nảy lửa, khép lại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)